XÂY DỰNG NHÀ QUỐC HỘI
Quảng trường Ba Đình - tên Ba Đình do bác sĩ Trần
Văn Lai, một nhân sĩ yêu nước, làm thị trưởng dưới thời chính phủ Trần Trọng
Kim (3-45 ÷ 5-45) đặt (Ba Đình là danh xưng căn cứ nghĩa quân Đinh Công Tráng
chống Pháp ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) - thời thuộc Pháp, đây là khoảng không lớn,có
đảo hoa tròn, phía sau là hai dãy cột tròn cong cong kiến trúc Pháp kiểu tường
trang trí, có tên gọi Ronde point (điểm tròn). Tại đây, người "KTS Việt
Minh" đầu tiên Ngô Huy Quỳnh dựng lễ đài để Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng
đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này, cũng
vị trí ấy dựng đài xem lễ bằng gỗ rồi bằng gạch và từ 1973 là Lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Quảng trường Ba Đình, theo qui hoạch hồi đó được
xem là trung tâm chính trị trong hệ thống trung tâm thủ đô, từ ven Hồ Tây, khoảng
đất xưa là trường đua ngựa và công viên trung tâm (mang tên Thủ Lệ), mở 1 đại lộ
tuyệt đẹp nối với quảng trường Ba Đình. Khu đất bây giờ mang tên lô D (18 Hoàng
Diệu) là nhà làm việc của 6 Bộ.
Một quyết định tình thế, để đáp ứng nơi hội họp,
năm 1963, hội trường Ba Đình ra đời phục vụ không chỉ Quốc hội mà cả những sự
kiện chính trị lớn. Năm 1964, Bác Hồ trong vòng vây tôn kính của các đại biểu dự
hội nghị chính trị đặc biệt, động viên cả nước đứng lên chống Mĩ xâm lược. Đây
cũng là nơi diễn ra kì họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất 6-1976 và cuối năm
đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
Các Tổng Bí thư (Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười ,
Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh),
Các Chủ tịch Quốc hội (Trường Chinh, Nguyễn Hữu
Thọ, Lê Quang Đạo, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng),
Các Chủ tịch nước (Tôn Đức Thắng, Trường Chinh,
Võ Chí Công, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết),
Các Thủ tướng (Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười,
Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng),
đều lấy Hội trường Ba Đình làm nơi đăng quang,
gánh vác trọng trách quốc gia.
Năm 1988, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh
qui hoạch xây dựng thủ đô, mở rộng hơn nhiều lần. Thủ đô ôm cả vào lòng mình đoạn
sông Hồng dài tới 16 km và nếu tính cả ảnh hưởng thì phải lên tới 40km. Vắt
ngang sông cả trên chục cây cầu mà Thăng Long chính là cây cầu đồ sộ thứ nhất
được vạch ra trên bản đồ từ những ngày ấy. Hệ thống trung tâm mới được thiết lập:
Trung tâm chính trị Ba Đình mà Lăng Bác và lễ đài là chủ thể, trung tâm văn hóa
Tây Hồ Tây (Xuân La, Xuân Đỉnh), Trung tâm văn hóa thể thao Mĩ Đình.
Vị trí nhà Quốc hội được quyết định tại lô D (18
Hoàng Diệu), bao quanh là các đường: Độc Lập, Bắc Sơn, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ,
diện tích hơn 6 ha. Về cơ bản thực hiện qui hoạch chi tiết trung tâm chính trị
Ba Đình: Lăng Bác, Đài Tưởng niệm Liệt sĩ quốc gia, nhà Quốc hội.
Cuối năm 2002, cuộc thi tuyển thiết kế được phát
động. Ban tổ chức nhận được 25 phương án dự thi từ 22 tổ chức thiết kế của 12
quốc gia. Hội đồng chấm thi gồm 9 thành viện, 5 người Việt Nam, 4 người nước
ngoài do hội liên hiệp KTS quốc tế giới thiệu. Các phương án được bình chọn qua
3 vòng, có 3 phương án đạt tiêu chí đặt ra, trưng bày để lấy ý kiến nhân dân,
13.000 lượt người đến xem, với gần 900 phiếu đóng góp ý kiến, có "phiếu"
dày 13 trang.
Khảo cổ học phát hiện những kết quả thật lớn, thật
bất ngờ, di tích Hoàng Thành, nguyên vẹn dấu vết 1.300 năm xưa. Các chuyên gia
Nhật Bản coi trọng giá trị ngang với thành La Mã cổ xưa.
Dù đã có dự đoán, những điều xảy ra quá lớn. Kho
tư liệu khảo cổ vô giá ấy phải được tôn trọng. Một quyết định kịp thời: tiếp tục
khảo cổ, chuyển vị trí trung tâm hội nghị Quốc gia vào khu thể thao văn hóa Mĩ
Đình để kịp đón sinh hoạt chính trị quốc tế vào tháng 11-2006; hội nghị APEC.
Còn vị trí lâu dài, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu.
Tập đoàn tư vấn thiết kế Cộng hòa Liên bang Đức vừa
giành giải nhất thi thiết kế nhà Quốc hội, được giao thiết kế Trung tâm Hội nghị
Quốc gia Mĩ Đình với sự giúp đỡ của lực lượng thiết kế Việt Nam. Nhiều chuyên
gia qui hoạch kiến trúc rong rủi tìm nơi xây nhà Quốc hội. Có thể kể sơ qua
hành trình các" thầy địa lí Tả Ao":
Phía Bắc công trình trên trục không gian dự kiến
xây dựng công viên lịch sử gắn với khu di tích Cổ Loa, khu trung tâm đô thị mới
Tây Hồ Tây, phía Nam công viên Yên Sở, trung tâm thể thao Mĩ Đình gắn liền với
Trung tâm hội nghị quốc gia đã xây dựng xong... Đồng thời cũng đưa ra nhiều dự
kiến trong trung tâm chính trị Ba Đình: khu vực Bộ Ngoại Giao, Nhà khách 37
Hùng Vương, Xí nghiệp Thiết bị Bưu điện... Mấy năm trời, bàn thảo trong các chuyên gia,
trong Bộ Chính trị và Thường vụ Quốc hội. Nổi lên một vấn vương huyết mạch. Chẳng
ai muốn lâu đài quốc hội xa hẳn chính mảnh đất cụ Lí Công Uẩn đã khẳng định "chốn
đế vương muôn đời".
Thời đại dân chủ cộng hòa, mặc dù Hà Nội có quảng
trường 1-5 (Cung Văn hóa Hữu Nghị), nơi năm 1930 đã diễn ra cuộc mít tinh của
nhân dân lao động lớn chưa từng có, do Đảng Cộng sản lãnh đạo; quảng trường Nhà
hát lớn (nay là quảng trường 19-8), nơi khởi nguồn Tổng Khởi nghĩa 19-8 tại Hà
Nội; thế nhưng Bác Hồ lại chọn quảng trường Ba Đình để đọc Tuyên ngôn Độc lập
ngày 02-9-1945. qui hoạch trung tâm chính trị Ba Đình đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nhiều chuyên gia, nhiều cơ quan văn hóa, kiến trúc đề xuất: "Bảo tồn di
tích Hoàng Thành đến mức tối đa, đồng thời vẫn xây dựng nhà Quốc hội. Tiêu chí
cao nhất là tạo thành quần thể văn hóa trong khu Ba Đình lịch sử: Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh, Lễ đài quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nhà Quốc hội,
khu di tích Hoàng Thành (18 Hoàng Diệu) khu thành cổ, Chùa Một Cột.
Nhà Quốc hội được xây dựng trên khu đất Hội trường
Ba Đình hiện nay chỉ khoảng 0,8 ha, với giải pháp thông minh nhất: chỉ có phòng
họp lớn và các bộ phận chính gắn liền với phòng họp.
Mối kì họp như một chuyến hành hương, các đại biểu
Quốc hội vào viếng Bác. Thế là bằng nhiều lí lẽ vô hình và hữu hình, ý tưởng
tuyệt vời đã được Quốc hội biểu quyết vào sáng ngày thứ hai 02-4-2007. Nhà Quốc
hội hoành tráng mà không đồ sộ, không lấn át không gian quần thể Ba Đình. Giao
thông thuận lợi, khách quốc tế, đại biểu dự họp, khách tham quan đến sảnh chính
nhà Quốc hội từ đường Bắc Sơn được mở rộng thành quảng trường. từ đây có thể
chiêm ngưỡng toàn bộ quần thể không gian kiến trúc lịch sử. Cảnh quan đẹp, mở
ra các hướng rộng thoáng, không ảnh hưởng đến di tích Hoàng thành.
Đáp ứng yêu cầu lịch sử, yêu cầu khảo cổ và hợp
lòng dân nhất. Trong xây dựng đô thị, xây dựng công trình, cái khó nhất là xác
định được địa điểm. Chúng ta đã qua hơn nửa chặng đường. Việt Nam là quốc gia văn hiến với 4 nghìn năm lịch
sử, thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nhưng cái chiều dày lịch sử ấy thật khó kiếm.
Thăng Long xưa đã hơn 10 lần bị đốt cháy do ngoại xâm, rồi các thế lực phong kiến
giành giật theo kiểu "nhổ cỏ nhổ tận rễ", nên lòng đất chứa đựng bao
bí ẩn. Không thể và cũng không cần thiết giữ lại tất cả. Khoa học công nghệ xây
dựng hiện đại cho phép có giải pháp dung hoà.
Với Hội trường Ba Đình, Quốc hội tranh cãi gay gắt
lắm mới ra được Nghị quyết về phương án qui hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội tại kì
họp tháng 3-2007, là dựng lại một mô hình thu nhỏ trong vườn cây hoặc trong nhà
như một di sản cho con cháu đời sau chiêm ngưỡng. Giải pháp khoa học để lâu đài Quốc hội vẫn ở vị
trí cũ, sẽ làm nhiều lần thêm giá trị cho nơi đây, với 3 thành phần hiện đại và
truyền thống, chính trị và văn hoá. Nhà Quốc hội - Bảo tàng Hoàng thành - Vườn
cây truyền thống…
Dưới đây là một vài hình ảnh về thiết kế Nhà Quốc hội…
Thông tin liên tục bổ
sung... Xin bấm vào hình ảnh để nhìn rõ hơn...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét