GoogleAnalytics

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

180314. Đối Tác: Nhật Bản (1973-2006). Tuyên Bố Chung (Tokio 180314)


ĐỐI TÁC NHẬT BẢN


TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM - NHẬT BẢN VỀ THIẾT LẬP QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC SÂU RỘNG VÌ HOÀ BÌNH VÀ THỊNH VƯỢNG Ở CHÂU Á NHÂN CHUYẾN THĂM NHẬT BẢN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG (16 ÷ 19-3-2014)
[Dangcongsan.vn] Hai nước quyết định nâng mối quan hệ lên một tầm cao mới thành quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình, phồn vinh ở châu Á.
Nhận lời mời của Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 16 ÷ 19-3-2014. Trong thời gian chuyến thăm, Nhà Vua Nhật Bản và Hoàng Hậu đã long trọng tổ chức Lễ đón và Quốc yến chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân.

Ngày 18-3-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Sin-dô A-bê đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới thành Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á. 
Nhật Hoàng Akihito đón CTN Trương Tấn Sang
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu đến chào CTN Trương Tấn Sang
 và Phu nhân tại Nhà khách quốc gia ở Tokyo
CTN Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shinzo Abe kí Tuyên bố chung
Dưới đây là toàn văn Tuyên bố chung:

1) Nhận lời mời của Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản từ ngày 16 ÷ 19-3-2014. Trong thời gian chuyến thăm, Nhà Vua Nhật Bản và Hoàng Hậu đã long trọng tổ chức Lễ đón và Quốc yến chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chân thành cảm ơn Nhà Vua và Hoàng Hậu, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho đoàn sự tiếp đón trọng thị và nồng nhiệt.
2) Ngày 18-3-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Sin-dô A-bê đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới thành Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng việc nâng cấp quan hệ lần này thể hiện tin cậy về chính trị và phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ của hai nước trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.   
I. Về quan hệ song phương
1.   Về chính trị và an ninh
Các chuyến thăm cấp cao và các cơ chế đối thoại
3) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản, và Thủ tướng Sin-dô A-bê sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp cho cả hai bên. Phía Nhật Bản đã cảm ơn lời mời của phía Việt Nam.
4) Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng và nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, trao đổi giữa các chính đảng và Quốc hội hai nước, trong đó có các tổ chức nghị sĩ hữu nghị. Phía Nhật Bản đánh giá cao bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Quốc hội Nhật Bản ngày 18-3-2014.
5) Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có như Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Đối thoại Đối tác chiến lược cấp Thứ trưởng Ngoại giao cũng như trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo và các Cục, Vụ liên quan của Bộ Ngoại giao hai nước.
Hợp tác Quốc phòng
6) Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả “Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản về hợp tác và Trao đổi quốc phòng song phương” kí năm 2011; tiếp tục thực hiện Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt - Nhật, tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, trong đó có cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao và chuyên gia; thúc đẩy hợp tác giữa các quân chủng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Nhân dân Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, thăm viếng của các tàu quân sự.
7) Phía Nhật hoan nghênh quyết định của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua giúp phát triển nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm và dưới các hình thức khác.
8) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ Việt Nam rà phá bom mìn thông qua Quĩ Hỗ trợ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF).
Hợp tác biển
9) Hai bên khẳng định hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về an toàn hàng hải. Trên cơ sở nhu cầu về nâng cao năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam, Thủ tướng Sin–dô A-bê thông báo sẽ sớm cử đoàn khảo sát đến Việt Nam nhằm trao đổi ý kiến về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển.
Hợp tác về an toàn và an ninh công cộng
10) Hai bên đánh giá cao kết quả của phiên họp Đối thoại An Ninh Nhật Bản - Việt Nam cấp Thứ trưởng, và quyết định tổ chức phiên Đối thoại tiếp theo trong năm 2014.
Hợp tác tư pháp và xây dựng hệ thống pháp luật
11) Phía Việt Nam đề nghị sớm đàm phán về các hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án. Phía Nhật Bản ghi nhận đề xuất của phía Việt Nam và bày tỏ hi vọng phía Việt Nam sẽ xem xét gia nhập các hiệp ước đa phương, bao gồm Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.
12) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp, bao gồm sửa đổi Hiến pháp và đánh giá cao việc Thủ tướng Sin-dô A-bê tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Các vấn đề an ninh phi truyền thống
13) Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác nhằm xử lí các vấn đề an ninh phi truyền thống, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và tội phạm mạng.
2. Về kinh tế
Hỗ trợ "Chiến lược Công nghiệp hóa"
14) Thủ tướng Sin-dô A-bê tuyên bố Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai kế hoạch hành động cho 6 ngành được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gồm chế biến nông, thủy sản; điện tử; ô tô và phụ tùng ô tô; máy nông nghiệp; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; và đóng tàu. Thủ tướng Sin-dô A-bê tuyên bố phía Nhật Bản sẽ hợp tác giúp phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam cũng như hỗ trợ phía Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp của Việt Nam.
Thúc đẩy ODA và hợp tác đối tác công - tư (PPP)
15) Thủ tướng Sin-dô A-bê khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản. Thủ tướng Sin-dô A-bê cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ cùng có lợi thông qua hợp tác dựa trên công nghệ và tri thức của Nhật Bản trong quá trình triển khai ODA của Nhật Bản nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
16) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao phát biểu trên của Thủ tướng Sin-dô A-bê và cảm ơn về việc hai bên đã kí kết các Công hàm Trao đổi cho 05 dự án ODA vốn vay cho nửa cuối tài khóa 2013 trị giá 120 tỉ yên.
17) Hai bên quyết định tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác đã kí nhằm thúc đẩy phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng tại Việt Nam như đường sắt, đường bộ, cảng biển, cảng hàng không trọng điểm, cấp thoát nước và phát triển tài nguyên nước trong khuôn khổ các bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ quan hữu quan của hai nước. Phía Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam cải tạo hệ thống đường sắt Bắc - Nam hiện có và ủng hộ cân nhắc tầm nhìn tương lai về hệ thống đường sắt Bắc - Nam mới và triển khai một cách chắc chắn việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị đang thực hiện.
18) Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Dự án Thông quan hàng hóa tự động và hệ thống cơ sở dữ liệu Hải quan thông minh (VNACCS/VCIS).
19) Hai bên quyết định tích cực thúc đẩy hợp tác công - tư PPP nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu to lớn về phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
20) Thủ tướng Sin-dô A-bê tuyên bố rằng phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển 02 khu công nghiệp tại Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu theo đề nghị của Việt Nam thông qua cung cấp kinh nghiệm quản lí, hỗ trợ thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Cải thiện môi trường đầu tư
21) Thủ tướng Sin-dô A-bê đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc xem xét nghiêm túc mở rộng diện tích đất dành cho các trường Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả Giai đoạn V của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Thương mại
22) Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thương mại giữa hai nước, phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư vào năm 2020.
23) Phía Việt Nam đánh giá cao việc Nhật Bản nới lỏng qui chế hàm lượng tồn dư Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam xuống mức 0,2 ppm và những nỗ lực của Nhật Bản tạo điều kiện và sớm hoàn tất các thủ tục về kĩ thuật để nhập khẩu thanh long, xoài và các loại hoa quả khác từ Việt Nam.
24) Thủ tướng Sin-dô A-bê hoan nghênh Việt Nam đã mở cửa thị trường cho mặt hàng thịt bò, thịt lợn và nội tạng trắng của Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam. Hai bên bày tỏ hi vọng sẽ sớm hoàn tất các thủ tục bổ sung về kĩ thuật có liên quan theo qui định hiện hành của Việt Nam. Thủ tướng Sin-dô A-bê đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo điều kiện để sớm nhập khẩu táo từ Nhật Bản.
Nông lâm ngư nghiệp
25) Hai bên hoan nghênh việc ngày 18-3-2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản kí Biên bản thảo luận về hợp tác và kế hoạch hành động năm 2014.
26) Hai bên quyết định lập cơ chế Đối thoại hợp tác để thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và sẽ sớm tổ chức phiên họp đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2014. 
27) Hai bên cũng quyết định tăng cường hợp tác công - tư nhằm thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam và thiết lập cơ chế trao đổi về phát triển ngành công nghiệp thực phẩm của hai nước và sớm tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Việt Nam.
Cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước
28) Hai bên nhất trí cho rằng việc cải cách hệ thống ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như việc giải quyết đồng bộ vấn đề nợ xấu gồm xử lí nợ và chấn hưng doanh nghiệp là các thách thức trong trung - dài hạn đối với Việt Nam..
Năng lượng và tài nguyên
29) Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân. Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở tỉnh Ninh Thuận, hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác tích cực để triển khai theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
30) Hai bên nhất trí  thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tiêu thụ năng lượng hiệu quả và ứng dụng công nghệ phát điện than hiệu suất cao, góp phần sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
31) Hai bên khẳng định hợp tác triển khai các dự án phát triển nguồn nhân lực nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách năng lượng để ổn định cung - cầu điện của Việt Nam. Hai bên nhất trí hợp tác triển khai hiệu quả dự án mẫu Hệ thống xử lí chất thải công nghiệp phát điện tại Hà Nội do Tổ chức phát triển năng lượng mới và kĩ thuật công nghiệp (NEDO) thực hiện và phổ biến ra các địa phương khác tại Việt Nam.
32) Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác phát triển công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam.
Môi trường, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai
33) Hai bên quyết định tiếp tục phối hợp để triển khai hiệu quả “Bản Ghi nhớ hợp tác về môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản” kí tháng 12-2013. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác thông qua các hội thảo Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) về phòng chống và quản lí thiên tai nhằm chủ động giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường và quản lí thiên tai. Hai bên hoan nghênh những tiến triển đạt được trong việc xây dựng Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa hai nước trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản kí tháng 7-2013 và quyết định triển khai một cách chắc chắn cơ chế JCM tại Việt Nam cũng như thúc đẩy JCM như một cơ chế hiệu quả cho tăng trưởng các-bon thấp  trên trường quốc tế.
34) Phía Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
35) Phía Việt Nam đánh giá cao cam kết của Nhật Bản cung cấp ô tô điện thế hệ mới cho thành phố Hà Nội.
36) Hai bên ghi nhận tầm quan trọng và khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực xử lí ô nhiễm không khí, cấp thoát nước. Phía Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này thông qua sử dụng công nghệ tiên tiến mà các địa phương và các công ty tư nhân của Nhật Bản có thế mạnh. 
37) Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp để triển khai hiệu quả “Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phòng quản lí thiên tai liên quan đến nước và thích ứng với biến đổi khí hậu giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản” kí tháng 9-2013. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh việc Nhật Bản chủ trì tổ chức Hội nghị Toàn cầu lần thứ 3 của Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại thành phố Xen - Đai vào tháng 3-2015. Hai bên nhất trí hợp tác vì thành công của Hội nghị.
Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị
38) Hai bên cam kết tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị bao gồm phát triển các khu đô thị sinh thái, phát triển hạ tầng kĩ thuật cấp thoát nước, xử lí chất thải rắn, công trình ngầm... Liên quan đến phát triển các khu đô thị sinh thái, hai bên cam kết phối hợp triển khai hiệu quả Biên bản hợp tác về thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển đô thị sinh thái (eco-city) tại Việt Nam kí tháng 10-2013 giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản. Phía Nhật Bản nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp qui và nâng cao năng lực trong lĩnh vực phát triển đô thị.
Thông tin truyền thông và bưu chính
39) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thông tin truyền thông và bưu chính thông qua phối hợp triển khai hiệu quả “Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản” sửa đổi tháng 9-2013.
Y tế và an sinh xã hội
40) Hai bên hoan nghênh việc ngày 18-3-2014, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản kí Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực y tế. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bao gồm chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về hệ thống bảo hiểm y tế công cộng và chuẩn bị cho xã hội dân số già.
41) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam và việc Nhật Bản xem xét tích cực hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Nhật tại thành phố Hồ Chí Minh.
42) Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác song phương về việc phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, bao gồm ung thư và các bệnh do tập quán sinh hoạt và hoan nghênh tiến triển trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giữa hai bên.
Khoa học công nghệ
43) Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác toàn diện trong lĩnh vực khoa học công nghệ và tổ chức cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam vào thời gian sớm nhất có thể. Phía Việt Nam đánh giá cao hỗ trợ của Nhật Bản về xây dựng năng lực cho các cơ sở khoa học và công nghệ của Việt Nam. Về lĩnh vực này, hai bên nhất trí đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học chung, đào tạo sinh viên, chuyên gia và cán bộ cho Việt Nam trong khuôn khổ “Chương trình đối tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững” (STATREPS) và “Chương trình nghiên cứu chung Khu vực khoa học và đổi mới công nghệ Đông Á”.
Phát triển nguồn nhân lực
44) Hai bên hoan nghênh việc ngày 18-3-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã kí Chương trình hợp tác chiến lược về giáo dục và đào tạo giữa hai nước.
45) Phía Nhật Bản cam kết tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thúc đẩy giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam cũng như xây dựng tiêu chuẩn kĩ năng nghề của Việt Nam. Hai bên quyết định tiếp tục thúc đẩy giao lưu giữa các trường đại học, sinh viên, và các nhà nghiên cứu nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ của hai nước và góp phần vào sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Phía Việt Nam đánh giá cao việc phía Nhật Bản cân nhắc tích cực nâng cấp trường Đại học Cần Thơ và một số trường Đại học được lựa chọn khác thành các trường Đại học xuất sắc, hỗ trợ xây dựng hệ thống chứng chỉ nghề nghiệp quốc gia và hợp tác phát triển một số trường dạy nghề của Việt Nam đạt tiêu chuẩm quốc tế. Hai bên khẳng định Chính phủ hai nước tiếp tục hợp tác trong Dự án Đại học Việt - Nhật do các tổ chức hữu quan của hai nước hiện đang thúc đẩy.
46) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp qui liên quan đến lĩnh vực xây dựng để triển khai hiệu quả Biên bản hợp tác về phát triển ngành xây dựng ký tháng 6-2013.
Tiếp nhận ứng viên điều dưỡng viên,  hoặc hộ lí và thực tập sinh kĩ thuật
47) Hai bên hoan nghênh các ứng viên điều dưỡng viên, hộ lí Việt Nam đủ điều kiện của đợt tiếp nhận đầu tiên sẽ sang học tập, làm việc tại Nhật Bản từ tháng 6-2014 và khẳng định sẽ tích cực hợp tác để triển khai hiệu quả các đợt tiếp nhận tiếp theo. Chủ tịch Trương Tấn Sang bày tỏ hi vọng số lượng điều dưỡng viên, hộ lí Việt Nam được nhận sẽ gia tăng trong thời gian tới.
48) Chủ tịch Trương Tấn Sang bày tỏ hi vọng Nhật Bản sẽ tiếp nhận thực tập sinh kĩ thuật từ Việt Nam trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp, chế biến nông - hải sản và xây dựng.
3. Về Giao lưu Văn hóa và Giao lưu Nhân dân
Thiết lập khuôn khổ đối thoại về giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân
49) Hai bên chia sẻ quan điểm về đẩy nhanh thảo luận hướng tới thiết lập một khuôn khổ đối thoại nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Hợp tác văn hóa
50) Hai bên đánh giá cao việc tổ chức thành công những hoạt động kỉ niệm phong phú của Năm Hữu nghị Việt - Nhật 2013 nhân kỉ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
51) Hai bên nhất trí thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động hai chiều nhằm quảng bá con người, văn hóa, nghệ thuật, trong đó có việc phối hợp tổ chức hàng năm Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản. Thủ tướng Sin-dô A-bê giải thích chính sách mới của Nhật Bản về giao lưu văn hóa với Châu Á được công bố tháng 12-2013 với tên gọi Dự án WA Hòa - Hoàn - Luân và đề xuất thúc đẩy giao lưu văn hóa thông qua việc hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật và vận dụng chính sách này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Sin-dô A-bê.
Hợp tác phát thanh truyền hình
52) Nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau dựa trên văn hóa, truyền thống và lịch sử của hai nước, hai bên nhất trí tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị thông qua sử dụng các chương trình phát thanh truyền hình trên cơ sở sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các đài truyền hình hai nước.
Thúc đẩy du lịch
53) Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác du lịch giữa hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh việc tháng 7 năm 2013 Nhật Bản đã nới lỏng thủ tục thị thực và bày tỏ hi vọng phía Nhật Bản sẽ thực hiện các bước để đơn giản hóa thủ tục xin cấp thị thực cho người Việt Nam. Thủ tướng Sin-dô A-bê đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ năm 2004. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi về việc sớm thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho người Việt Nam.
Giao lưu thanh niên và thể thao
54) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh việc Thủ tướng Sin-dô A-bê đang triển khai chương trình giao lưu thanh thiếu niên giữa hai nước với qui mô 1.000 người trong khuôn khổ Chương trình giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS2.0).
55) Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh thông báo của Thủ tướng Sin-dô A-bê về việc Nhật Bản tổ chức giải U-14 giao lưu bóng đá thanh thiếu niên ASEAN - Nhật Bản vào tháng 4-2014 và giải U-19 Đại hội Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9-2014.
56) Chủ tịch nước chúc mừng Tokyo, Nhật Bản được chọn đăng cai Thế vận hội mùa Hè và Thế vận hội dành cho người khuyết tật năm 2020 và bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản để tổ chức thành công các sự kiện này. Phía Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ thể thao Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Thể thao Châu Á 2019 (ASIAD 2019). Thủ tướng Sin-dô A-bê giải thích về chương trình "Thể thao cho ngày mai" của Nhật Bản. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những nỗ lực của Nhật Bản trong việc truyền bá giá trị của thể thao và phong trào Olympic trên thế giới.
57) Hai bên hoan nghênh việc các trường phổ thông Nhật Bản tổ chức ngày càng nhiều các chuyến du lịch học tập tới Việt Nam.
II. Về các vấn đề khu vực và quốc tế
Đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới
58) Hai bên khẳng định tăng cường phối hợp và hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)..., góp phần tích cực, mang tính xây dựng vào hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
59) Thủ tướng Sin-dô A-bê giải thích về chính sách an ninh của Nhật Bản, nhất là các nỗ lực gần đây trong khuôn khổ chính sách “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” trên cơ sở nguyên tắc hợp tác quốc tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ rất mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp một cách tích cực và mang tính xây dựng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
60) Thủ tướng Sin-dô A-bê nhấn mạnh sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản mang lại lợi ích cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và sự tăng trưởng của Việt Nam có lợi cho Nhật Bản. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ hi vọng thông qua chính sách kinh tế Abenomics, sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế khu vực và thế giới.
Hợp tác trong ASEAN và Khu vực Mê Công
61) Hai bên hoan nghênh thành công của Hội nghị Cấp cao Kỉ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 5 tổ chức tháng 12 năm 2013 và nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai kết quả của các hội nghị trên. Phía Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tích cực ASEAN tăng cường liên kết khu vực và thu hẹp khoảng cách nội khối, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015.
62) Hai bên đánh giá cao kết quả tích cực của Diễn đàn Mê Công Xanh và nhất trí tiếp tục hợp tác cùng với các tổ chức liên quan, đặc biệt là Uỷ hội Sông Mê Công (MRC), trao đổi thông tin và nghiên cứu như hợp tác nghiên cứu về quản lí và phát triển bền vững sông Mê Công, bao gồm nghiên cứu về đánh giá tác động của thủy điện trên dòng chính nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và quản lí nguồn nước sông Mê Công. Phía Nhật Bản quyết định dành ưu tiên cho các dự án nông nghiệp, y tế, đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang phía Nam, tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nhằm tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách trong tiểu vùng Mê Công.
63) Phía Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Sin-dô A-bê về việc tham vấn với các nước ASEAN để tổ chức cuộc họp không chính thức Bộ trưởng quốc phòng Nhật - ASEAN nhằm trao đổi về các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có lĩnh vực phòng chống thiên tai.
64) Thủ tướng Sin-dô A-bê hoan nghênh Việt Nam xem xét tích cực tổ chức Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 trong năm nay. Hai bên quyết định hợp tác vì thành công của Diễn đàn.
Thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)
65) Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP).
Liên Hợp Quốc
66) Thủ tướng Sin-dô A-bê cảm ơn việc Việt Nam liên tục ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng. Hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hợp quốc vào năm 2015, hai bên nhất trí sẽ tích cực hợp tác hướng tới sớm cải tổ Hội đồng Bảo an Liệp hợp quốc theo hướng tăng cường hiệu quả, tính hợp pháp và minh bạch, và tăng cường tính đại diện của Hội đồng Bảo an.
67) Hai bên khẳng định lại sự hợp tác nhằm đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỉ đến năm 2015 cũng như xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015. Hai bên chia sẻ nhận thức chung rằng Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 cần là một khuôn khổ hiệu quả hơn để xóa nghèo, bảo đảm phát triển kinh tế xã hội bền vững và dung nạp, bảo đảm bền vững về môi trường cũng như an ninh con người, trong đó phòng chống và quản lí thiên tai và phổ cập bảo hiểm y tế có vị trí xứng đáng.
Tự do, an toàn hàng hải
68) Thủ tướng Sin-dô A-bê đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam hướng tới giải quyết các vấn đề trên biển bao gồm lĩnh vực an ninh hàng hải dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật. Lưu tâm đến các kết nối hàng hải và hàng không giữa Nhật Bản và Việt Nam trong khu vực, Thủ tướng Sin-dô A-bê cho rằng không thể xem nhẹ bất kì hành động mang tính đơn phương, cưỡng ép nào thách thức hoà bình và ổn định. Hai bên khẳng định hoà bình và ổn định trên biển là lợi ích chung của cả hai nước cũng như cộng đồng quốc tế. Hai nhà Lãnh đạo cũng chia sẻ lập trường rằng tất cả các bên hữu quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS). Hai nhà Lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của duy trì an ninh và an toàn hàng hải, đề cao tự do trên vùng biển quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và vùng trời và thương mại không bị trở ngại và bảo đảm kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật quốc tế bao gồm UNCLOS. Hai nhà Lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm rằng Bộ Qui tắc Ứng xử tại biển Đông (COC) cần được sớm hoàn tất.
Bán đảo Triều Tiên
69) Hai bên khuyến khích Triều Tiên tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ theo các Nghị quyết có liên quan của LHQ và các cam kết trong Tuyên bố Chung của Vòng Đàm pháp Sáu bên ngày 19 tháng 9 năm 2005 và ủng hộ phi hạt nhân hoá một cách toàn bộ, kiểm chứng được trên bán đảo Triều tiên. Hai bên chia sẻ ý định tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bắt cóc, mối quan tâm nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Phía Việt Nam bày tỏ sẵn sàng  hợp tác với Nhật Bản trong khả năng của mình để giải quyết vấn đề bắt cóc con tin.
Flag Counter

Không có nhận xét nào: