BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG VIỆT NAM PHÙNG QUANG THANH PHÁT BIỂU TẠI ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 13
Từ ngày 01-5-2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (HD-981) cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lí trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương, đam chìm 1 tàu cá Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia kí kết. Hành động cực kì nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông…
Ngày 31-5-2014, Bộ trưởng Quốc Phùng Phùng Quang Thanh đã phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La (tổ chức từ 30-5 ÷ 01-6-2014) với sự tham dự Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe của lãnh đạo cao cấp của nhiều nước, tổ chức quốc tế cùng nhiều học giả có uy tín của khu vực và thế giới với chủ đề Quản lí những căng thẳng chiến lược:
Thưa Ngài Chủ tịch,
Tiến sĩ Giôn Chíp-mơn!
Thưa toàn thể các quí vị!
Thay mặt Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt
Nam, tôi chân thành cám ơn Chính phủ và Bộ Quốc phòng Singapore cùng Ban
Tổ chức Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã dành cho tôi cơ hội tham dự và phát
biểu tại phiên họp toàn thể này!
Thưa các quí vị!
Trước hết, chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao thông điệp về
"chính sách hòa bình tích cực" của Nhật Bản được Thủ tướng Shinzo Abe
trình bày tối hôm qua.
Cũng tại Diễn đàn này năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam,
Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp về “lòng tin
chiến lược”, trong đó đã nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ
hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có
thể gây ra những nguy cơ xung đột.
Lòng tin cần được nâng niu vun đắp không ngừng bằng những hành
động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.
Sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy thế giới và khu vực vẫn còn
nhiều căng thẳng và tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, hoặc chiến tranh như chúng ta
đang chứng kiến hằng ngày, hằng giờ qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chính vì vậy, xây dựng lòng tin vẫn đang là vấn đề cấp thiết hơn
bao giờ hết đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay.
Quản lí căng thẳng chiến lược là vấn đề hệ trọng, liên quan đến
hòa bình, ổn định và phát triển của các nước, khu vực và thế giới, phù hợp với
nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các quốc gia, là chủ đề
tôi chia sẻ cùng các bạn.
Thưa các quý vị!
Nhìn chung, tình tình thế giới và khu vực hiện nay, hoà bình,
hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn
nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, li
khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị, can thiệp,
lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống,
tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn
thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia tăng.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển năng động,
tăng trưởng cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới, tuy nhiên, vẫn
tồn tại những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên
Biển Hoa Đông và Biển Đông... Đây là các nhân tố ảnh hưởng đến hòa bình và ổn
định khu vực.
Nguyên nhân của các vấn đề trên, xuất phát từ mâu thuẫn và xung
đột lợi ích, dẫn đến sự hoài nghi về thiện chí và lòng tin trong quan hệ, hợp
tác, sự cọ sát về lợi ích trong cạnh tranh chiến lược và hành động kiềm chế lẫn
nhau.
Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, khác biệt về văn hóa, tôn giáo,
sắc tộc, ý thức hệ... vẫn tồn tại, trong khi các bên liên quan vẫn chưa có được
các giải pháp xử lí hữu hiệu.
Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có
Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định,
cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến tranh.
Tôi cho rằng, để quản lí các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột,
trước hết chúng ta cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm
quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc.
Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình,
ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương
Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ
lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường
các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không
phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.
Khi có được nhận thức chung, chúng ta sẽ có nền tảng vững chắc
để xây dựng lòng tin. Lòng tin không chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà phải
bằng hành động cụ thể, bằng những việc làm thiết thực để thúc đẩy sự minh bạch,
đối thoại bình đẳng, cởi mở, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc
gia, tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế.
Các nước lớn có vai trò trách nhiệm và đóng góp quan trọng trong
việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược này.
Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn
có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn
tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi.
Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình
tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế;
lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu
nghị giữa các nước.
Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các
bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật
khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. Chỉ cần một sai lầm nhỏ
cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột. Xử lí căng thẳng trong quan
hệ giữa các nước, vai trò của quân đội hết sức quan trọng, quân đội phải kiềm
chế, kiểm soát và quản lí chặt chẽ mọi hoạt động của từng người chỉ huy, người
chiến sĩ trong chỉ huy, điều khiển vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu như
tàu chiến, máy bay....
Trong quản lí căng thẳng chiến lược, thì vấn đề truyền thông có
vai trò và trách nhiệm rất quan trọng, đó là đưa tin phải trung thực khách
quan, kịp thời với tinh thần xây dựng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Truyền
thông nên tạo ra môi trường thuận lợi để góp phần giải quyết mâu thuẫn và tranh
chấp một cách hòa bình, không nên dùng những lời lẽ kích động, càng không nên
kích động hận thù dân tộc, càng không nên làm cho tình hình căng thẳng thêm, hoặc
gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem xét đưa ra quyết định giải quyết
các vấn đề tranh chấp.
Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên
phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương. Những vấn
đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương, còn vấn đề liên
quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa phương. Trong quá
trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh
bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm, hoặc gây hoài nghi cho dư
luận.
Hiện nay, chúng ta đang có những cơ chế hợp tác khu vực như Diễn
đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á - Thái Bình Dương
(CSCAP) Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các
nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng
(ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), cũng như Đối thoại Shangri-La hôm nay, là
những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao
phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lí có hiệu quả xung đột.
Thưa các quí vị!
Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng
thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ
quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự
việc ngày 01-5-2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải
Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức
xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng
đồng quốc tế.
Chúng tôi nhận thức rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là
thiêng liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp
hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về
Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố
6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển
Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai
nước Việt - Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng
không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã
hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống
giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp,
nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.
Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy
bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và
tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không
chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc.
Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc
quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được
hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho
cả khu vực và thế giới.
Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng
cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành
động ngoài tầm kiểm soát.
Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo
Đảng, Nhà nước xử lí thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không
xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh.
Việt Nam rất chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng với các
nước ASEAN như tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ
thảm họa, thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin giữa các nước ASEAN.
Ngày 08-6-2014 tới đây, Việt Nam và Philippines sẽ tổ chức giao
lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây,
thuộc quần đảo Trường Sa, để tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng tin cũng như
giảm căng thẳng ở khu vực.
Chúng tôi hi vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các
mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và
phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới.
Cuối cùng, để kết thúc phần trình bày của mình, một lần nữa, tôi
muốn chuyển đến quí vị một thông điệp từ Chính phủ và Nhân dân Việt Nam rằng,
với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn
là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở
tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một
môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái
Bình Dương và trên thế giới.
Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quí vị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét