PHÁP LUẬT: HIẾN PHÁP VIỆT NAM 2013
LỜI NÓI ĐẦU
CHƯƠNG I. CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ
CHƯƠNG II. QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
CHƯƠNG III. KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
CHƯƠNG IV. BẢO VỆ TỔ QUỐC
CHƯƠNG V. QUỐC HỘI
CHƯƠNG VI. CHỦ TỊCH NƯỚC
CHƯƠNG
VII. CHÍNH PHỦ
Điều
94
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành
của Quốc hội.
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác
trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Điều
95
1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội qui định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách
nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao;
báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
3. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ
theo sự phân công của Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ
được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ
được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá
nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được
phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập
thể về hoạt động của Chính phủ.
Điều
96
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội,
pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch
nước;
2. Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn qui định tại Điều này; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự
án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
3. Thống nhất quản lí về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế,
khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc
phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh động viên, lệnh
ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo
đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân;
4. Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang
bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn
vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
5. Thống nhất quản lí nền
hành chính quốc gia; thực hiện quản lí về cán bộ, công chức, viên chức và công
vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo của công dân, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước;
lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban
nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng Nhân dân trong việc thực hiện
văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng Nhân dân thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định;
6. Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người,
quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
7. Tổ chức đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo
ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc kí, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt
hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc
hội phê chuẩn qui định tại khoản 14 Điều 70; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi
ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
8. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của mình.
Điều 97
Nhiệm kì của Chính phủ theo nhiệm kì của Quốc hội. Khi Quốc hội
hết nhiệm kì, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới
thành lập Chính phủ mới.
Điều
98
Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính
sách và tổ chức thi hành pháp luật;
2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành
chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông
suốt của nền hành chính quốc gia;
3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách
chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; phê chuẩn
việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
4. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà
nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan
nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ;
5. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc kí, gia nhập
điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều
ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
6. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương
tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết
của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Điều
99
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ
và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan
ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lí nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công;
tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh
vực trong phạm vi toàn quốc.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những
vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lí.
Điều
100
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình,
kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lí các văn bản trái pháp luật theo
qui định của luật.
Điều
101
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng
đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp
của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.
CHƯƠNG VIII. TÒA ÁN NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
CHƯƠNG IX. CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
CHƯƠNG X. HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
CHƯƠNG XI. HIỆU LỰC CỦA HIẾN PHÁP VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kì họp thứ 6, thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét