GoogleAnalytics

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

141114. Hội KHNCQS. Phạm Văn Hoài. Phòng Kĩ Thuật Sensor Những Chặng Đường Gian Khó


PHÒNG KĨ THUẬT SENSOR, NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG GIAN KHÓ

Phạm Văn Hoài[1]

Ngày 18-9-1979 theo Quyết định số 1775/QL-0 do Phó Viện trưởng Viện Kĩ thuật Quân sự Nguyễn Quỳ kí, Ban Vật liệu Từ và một nửa Ban Quang Bán dẫn (gồm 10 người) thuộc Phân Viện Vật lý Kĩ thuật được điều động tạm thời về Phòng Quang Lượng tử (B24). Bốn ngày sau, ngày 22-9, Chủ nhiệm Tổng cục thuật kí quyết định số 820/QĐ-KT hợp nhất Phòng Quang Lượng tử và bộ phận cắt từ Phân Viện Vật lý Kĩ thuật thành Phân Viện nghiên cứu Vật lý Kĩ thuật (B29). Phòng nghiên cứu Quang dẫn và Vật liệu Từ chính thức được thành lập! TS Hoàng Xuân Nguyên làm Trưởng Phòng.
Với chức năng nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu hình thành các nhóm (1974): Nghiên cứu chế tạo Đầu Thu (Ban Quang Bán dẫn) và Gương Từ tính (Ban Vật liệu Từ) cho Đầu Tên lửa phỏng A72M; lại trong những ngày sôi động của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở cả phía Bắc và phía Nam, CBCNV của Phòng đã lao ngay vào công việc. Từ 10-1979 cho đến hết năm 1981, nhiệm vụ của Phòng tập trung vào hai hướng chính:
Phục vụ chiến đấu: ứng dụng Kính Nhìn đêm cho hải đảo và biên giới phía Bắc, phục vụ xây dựng Sở Chỉ huy tác chiến Quân khu 1, Quân khu 2 (que chỉ bản đồ, bản đồ từ).
Tiếp tục nghiên cứu chế tạo một số Linh kiện, Vật liệu Quang, Từ phục vụ nghiên cứu và chiến đấu (Đầu Thu PbS, CdS, Vật liệu Từ), theo Công văn số 1015/QL-0 Viện KTQS, ngày 10-8-1981.
Giai đoạn 1982-1988
Đây là thời gian có nhiều biến động nhất. Phòng đổi tên thành Phòng Vật liệu thuộc Phân Viện B16 (Quyết định số 914/QL-0 do Viện trưởng Phan Thu kí, ngày 10-8-1983), Trưởng Phòng: TS Hoàng Xuân Nguyên (đến năm 1983), sau đó là TS Nguyễn Văn Khải (1985-1987); quân số của Phòng liên tục thay đổi, kể cả Lãnh đạo Phòng. Rất nhiều cán bộ, nhiều tiến sĩ về và chuyển đi (số cán bộ ở lại và chuyển đi trong thời kì này ở Phòng khoảng 26 người). Để lí giải điều này, phải dựa trên cơ sở phân tích thấu đáo, nhưng có lẽ việc đào tạo ngành và hướng nghiên cứu chưa khớp được với nhau, nhiệt huyết có nhưng tâm tư cũng rất nhiều, bên cạnh đó đời sống thời gian này vô cùng vất vả. Phải nói rằng, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của đất nước nói chung, kinh tế trì trệ, chế độ bao cấp nặng nề, đời sống nhân dân cực kì thiếu thốn. Do kinh phí nghiên cứu hết sức eo hẹp, các cơ quan bung ra làm kế hoạch II, kế hoạch III để cải thiện thêm cho anh em. Phòng Vật liệu cũng không thể thoát khỏi xu hướng đó. Công tác chuyên môn thời kì này chia thành 3 mảng chính: Nghiên cứu cơ bản, Nghiên cứu ứng dụng và Hoạt động kinh tế trên cơ sở các kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu cơ bản
Từ nhiệm vụ ban đầu là nghiên cứu chế tạo các Linh kiện cho Đầu tự dẫn Tên lửa mô phỏng A72M, đến thời kì này hướng nghiên cứu tạm dừng. Vấn đề đặt ra, tiếp tục như thế nào?
Theo Quyết định số 513/KH-82 của Viện trưởng Viện KTQS về kế hoạch nghiên cứu 5 năm (1981-1985), trong đó Phân Viện VLKT có chương trình “Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số loại máy phát Laser và ứng dụng trong Quốc phòng”, Phòng Vật liệu trong năm 1982 đã đề xuất và được duyệt các đề tài 06-08 “Nghiên cứu qui trình chế thử một số Vật liệu Linh kiện thu tia Laser trên cơ sở CdS và PbS” và đề tài 08-15 “Nghiên cứu chế thử Màng mỏng Từ”.
Trong những năm tiếp theo đến 1988, phát triển thêm các đề tài “Gia công các linh kiện Bán dẫn”, “Pin Quang điện - Quang trở CdS, PbS, CdHgTe”, “Nghiên cứu chế thử các Đầu nhạy cảm Từ, các Nam châm chất lượng cao”, “Nghiên cứu ổn định qui trình sản xuất Từ dẻo”, “Khảo sát, khai thác sử dụng các loại cảm biến trong hệ thống hàng rào điện tử của Mĩ”.
Nghiên cứu ứng dụng
Để có thể đưa nghiên cứu vào ứng dụng trong phục vụ Quốc phòng và Kinh tế quốc dân, trong thời gian này Phòng đã triển khai một số đề tài các cấp như “Nghiên cứu lắp ráp, thử nghiệm Pin Mặt trời trên cơ sở Vật liệu Silic”, “Chế thử máy Dò mìn phi kim loại đến hơn 10 cm”, “Lắp Mạch tạo xung PSec dòng lớn cho Laser”.
Hoạt động kinh tế trên cơ sở các kết quả nghiên cứu
Thời gian này cùng với cả Viện và Phân Viện, Phòng đã giành một phần quan trọng lực lượng tập trung tìm cách tháo gỡ khó khăn trong đời sồng kinh tế chung. Từ việc phục vụ chế tạo các Bản đồ Từ cho Sở Chỉ huy, sản xuất Viên Nam châm cho cơ sở thiết bị trường học, sản xuất Đất đèn, sản xuất Đèn pin dùng Nam châm, chế tạo Hệ thống đóng ngắt Đèn đường tự động, chế tạo Quang trở CdS lắp trên hệ thống mô phỏng Tập lái… cho đến việc tham gia lắp đặt hệ thống báo Cháy, báo Khói, chống Sét, và cả Chăn nuôi!
Giai đoạn 1989-1994
Bước sang năm 1989, theo Quyết định số 336/QĐ-QP, ngày 26-12-1988, Phân Viện VLKT đổi thành Trung tâm VLKT (B16) và Phòng Vật liệu thành Phòng Sensor Vật lý với nhiệm vụ chế thử một số loại sensor dùng hiệu ứng vật lý phục vụ chỉ huy trinh sát, huấn luyện bộ đội và một số lĩnh vực khác. Trưởng phòng: TS Lê Thái Lai.
Đây là giai đoạn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hướng phát triển của Phòng. Trong 2 năm 1990-1991, Phòng tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo máy dò Mìn; lắp ráp, thử nghiệm hoạt động của Pin Mặt trời trong điều kiện khí hậu VN; chế tạo các Lò nhiệt độ cao sử dụng Sensor Nhiệt.
Đến năm 1992, Phòng nhận đề tài cấp Bộ QP: “Nghiên cứu chế tạo hệ thống Đàm thoại dưới nước” - đây là bước đi đầu tiên trong việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Thủy Âm. Bên cạnh đó vẫn đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng: chế tạo máy Điện Từ trường dùng trong Y tế; thiết kế chế tạo thiết bị tự động Đo và Khống chế Nhiệt độ phục vụ kinh tế quốc dân.
Năm 1993-1994, việc nghiên cứu trong lĩnh vực Thủy Âm được đẩy mạnh hơn với đề tài cấp Viện “Nghiên cứu cải tiến hệ Sensor Thủy Âm nhằm bảo vệ hải cảng, hải đảo”. Một số sáng kiến được công nhận:
Thiết kế chế tạo đầu thu phát Thủy Âm dải rộng (công suất nhỏ),
Chế tạo phần điện tử cho máy Thông tin dưới nước,
Cải tiến máy Sấy silicagen phục vụ chương trình bảo quản của Quân đội,
Súng bắn Tập báo số phát đạn bắn đi và báo trúng đích,
Tiếp tục cải tiến hoàn thiện phương pháp nạp TDẻo, kiểm tra chất lượng Viên T.
Giai đoạn 1995-1999
Theo Quyết định số 196/QĐ-TM, ngày 10-4-1995 về qui hoạch tổ chức lực lượng của Viện KTQS do Phó Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Văn Đức kí, Trung tâm VLKT giữ nguyên tên gọi. Phòng Sensor Vật lý đổi tên thành Phòng Kĩ thuật Sensor Vật liệu với chức năng nhiệm vụ: Kĩ thuật Sensor phục vụ quan sát đêm và bắn chính xác. TS Lê Thái Lai là Trưởng Phòng đến năm 1997, sau đó là KS Hoàng Văn Thảo.
Trong năm 1995, Phòng có hai đề tài cấp Viện: “Nghiên cứu chế tạo thiết bị Điều khiển Nổ dưới nước” và “Nghiên cứu chế tạo máy Đo độ Ẩm hiện số”. Phòng bắt đầu thực hiện một số Hợp đồng với Quân chủng Hải quân về thiết bị nguồn đặc chủng.
Theo công văn số 199/KH-3, ngày 08-4-1996 của Viện trưởng Viện KTQS phân định nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức thực hiện hợp tác nghiên cứu với Cục thuật, BTL Hải quân, Trung tâm VLKT chính thức bắt đầu thực hiện một số nhiệm vụ, hướng nghiên cứu phục vụ tác chiến của quân chủng Hải quân và Phòng Kĩ thuật Sensor Vật liệu cũng chính thức các công tác sửa chữa Thủy lôi, Ngư lôi, chế tạo các loại nguồn đặc chủng cho Hải quân.
Cũng trong năm 1996, theo công văn số 261/KH, ngày 03-7-1996 do Cục trưởng Cục KHCNMT kí, Dự án Phòng Thí nghiệm VLKT thuộc kế hoạch đầu tư tiềm lực bắt đầu được triển khai, trong đó Phòng Kĩ thuật Sensor Vật liệu sẽ được trang bị “Thiết bị Phân tích Phổ Âm thanh dải rộng PULSE”.
Trong hai năm 1996-1997, Phòng thực hiện hai đề tài cấp Bộ “Ứng dụng Kĩ thuật Vật lý Sensor đo đạc các thông số kĩ thuật trong sản xuất” và “Máy Thông tin dưới nước”
Năm 1998-1999, Phòng tham gia Chương trình ĐT-02 trong đội hình chung của Phân Viện và Viện KTQS. Đề tài “Ứng dụng Kĩ thuật Vật lý Sensor đo đạc các thông số kĩ thuật trong sản xuất”  được chuyển sang AT “Hoàn thiện công nghệ ứng dụng…”
Giai đoạn 2000-2003
Theo quyết định số 358/2000/QĐ-TM, ngày 02/6/2000 của Tổng Tham mưu trưởng, Phân Viện VLKT thuộc Viện Điện tử - Công nghệ Thông tin - Viễn thông, Trung tâm Khoa học, Kĩ thuật và Công nghệ Quân sự. Phòng Kĩ thuật Sensor Vật liệu đổi thành Phòng Kĩ thuật Sensor và Vật liệu Từ với chức năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKTCNQS để thiết kế, chế tạo, sửa chữa, cải tiến các sản phẩm của ngành Kĩ thuật Sensor và Vật liệu Từ. KS Hoàng Văn Thảo tiếp tục là Trưởng phòng.
Đây là giai đoạn yêu cầu phải có chuyển tiếp về chất công tác nghiên cứu của Phòng. Mặc dù trong hai năm 2001-2002, Phòng tiếp tục chủ trì đề tài cấp Bộ về Vật liệu “Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp thụ sóng Rađa bằng công nghệ Vật lý Vật liệu Từ”, nhưng thấy rằng nếu đầu tư cả về năng lực cán bộ nghiên cứu lẫn về trang thiết bị công nghệ vật liệu sẽ hết sức khó khăn trong thời điểm hiện tại cũng như về lâu dài. Sản phẩm của mình nghiên cứu chế tạo ra, chất lượng chưa thể cao được, thời gian cũng sẽ kéo dài hơn so với nếu mua của nước ngoài. Như vậy phải chuyển đổi thế nào trong khi cán bộ hiện tại đều chỉ có chuyên môn sâu là công nghệ vật liệu?
Trong những năm này, Phòng tiếp tục phát triển hướng phục vụ Quân Binh chủng: nguồn đặc chủng cho Tăng Thiết giáp, sửa chữa Ngư lôi, Thủy lôi cho Hải quân.
Giai đoạn 2003-2010
Theo QĐ số 429/QĐ-TM, ngày 12-5-2003 của Tổng Tham mưu trưởng, Phân Viện VLKT thuộc Viện Đin tử - Viễn Thông, còn Phòng Kĩ thuật Sensor và Vật liệu Từ vẫn giữ nguyên tên cũ và trong chức năng chỉ bổ sung thêm “… sản phẩm của ngành Kĩ thuật Âm học”. KS Hoàng Văn Thảo tiếp tục giữ chức vụ Trưởng phòng đến giữa năm 2007, sau đó CN Phạm Văn Hoài đảm nhận chức vụ này.
Cuối năm 2003, Phòng chính thức hợp tác nghiên cứu cùng Quân chủng Hải quân trong Đề tài cấp Nhà nước KC.09-18 “ Nghiên cứu trường Sóng Âm và trường Sóng Nội vùng biển Việt Nam” - đề tài được thực hiện đến hết 2005. Phòng đảm nhiệm nhánh đo đạc khảo sát kiểm chứng mô hình. Khi thực hiện đề tài, hiểu biết về lĩnh vực Thủy Âm của cán bộ trong Phòng thực sự được nâng cao, vì đây hoàn toàn là lĩnh vực mới đối với Phòng. Các mối quan hệ với Quân chủng chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi sâu vào lĩnh vực Thủy Âm của Phòng. Bên cạnh đó Phòng vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng với Quân Binh chủng về chế tạo thiết bị nguồn đặc chủng, nguồn tổng hợp biến tần 400 Hz, thiết bị phóng điện đa năng,…
Trong năm 2005, 2008, 2009, cán bộ của Phòng tích cực tham gia Chương trình MK, Dự án I của Bộ. Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo hệ thống giả tín hiệu Thủy Âm phục vụ huấn luyện vũ khí, khí tài Hải quân” được bắt đầu từ năm 2007. Năm 2008, Phòng thực hiện đề tài nhiệm vụ cấp Bộ “Nghiên cứu chế tạo Màng mỏng TiO2 trên đế thủy tinh quang học chống thấm nước bề mặt”.
Công tác đào tạo trong nhiều năm chưa được Phòng chú trọng. Từ năm 1979 đến 2003 mới chỉ có 01 nghiên cứu sinh và 02 chuyển tiếp sinh. Từ năm 2003, Phòng tập trung hơn cho công tác này. Đến nay đã hoàn thành luận án 01 tiến sĩ, 02 cao học, 02 đang làm luận án TS, 01cao học. Nhiều cán bộ trẻ tham dự lớp đào tạo kiến thức Thủy Âm do chuyên gia nước ngoài giảng. Việc đào tạo sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn của Phòng trong những năm tới.
Một trong những nhiệm vụ chiến lược của Phòng là tìm cách chuyển từ nghiên cứu chế tạo Vật liệu sang nghiên cứu Ứng dụng. Để làm được việc này phải có đủ cán bộ có năng lực đồng bộ từ Vật lý, Điện tử và Công nghệ Thông tin. Công tác đào tạo không thể ngày một ngày hai là có được mà phải có thời gian, có sự chủ động tích cực của bản thân cán bộ nghiên cứu, đồng thời phải có sự hỗ trợ tích cực của các cấp trong công tác cán bộ. Phòng chọn bài toán Sensor Mạng làm tiền đề cho việc định hướng nghiên cứu dài hơi. Muốn giải bài toán này phải có người hiểu biết sâu sắc về Vật lý các loại Sensor, phải có chuyên gia Điện tử chuyên về thu phát, mã hóa, phân tích tổng hợp tín hiệu của hệ thống Mạng Sensor trong các môi trường truyền tín hiệu khác nhau, phải có chuyên gia Công nghệ Thông tin mô phỏng, xử lí, hiển thị, nhận dạng tín hiệu. Nếu có được đội ngũ như vậy, bài toán định vị nhận dạng mục tiêu trên không, trên mặt đất, dưới nước đều có thể thực hiện được! Các cán bộ trẻ trong Phòng đã thực hiện đề tài vốn tự có liên quan đến Sensor đơn lẻ (trên cơ sở Sensor chấn rung MINISIT trong hàng rào điện tử của Mĩ). Tuy nhiên đây mới chỉ là bước nhập môn của bài toán Mạng Sensor!
Giai đoạn 2010 đến nay
Viện Vật lý Kĩ thuật chính thức được thành lập theo quyết định số 810/QĐ-TM, ngày 21-5-2010 của Tổng Tham mưu trưởng và chính thức ra mắt ngày 12-8-2010. Phòng Phòng Kĩ thuật Sensor và Vật liệu Từ mang tên mới: Phòng Kĩ thuật Sensor. Th.S Trần Thế Anh làm Trưởng Phòng.
Thay cho hai đồng chí nghỉ hưu, Phòng được bổ sung 03 cán bộ trẻ đều là thạc sĩ và có các chuyên ngành rất phù hợp cho hướng phát triển đã hoạch định: Thủy âm, Điện tử và Công nghệ Vật liệu. 02 cán bộ đang là nghiên cứu sinh, 01 đang học cao học. Với đội ngũ mới - trẻ, năng động và nhiệt huyết chắc Phòng sẽ có nhiều chuyển biến mới.
Trong năm 2012, Phòng đã chủ trì hai nhiệm vụ lớn đều phục vụ cho công tác phòng thủ biển đảo: “Nghiên cứu sửa chữa, tiến tới chế tạo nguồn Shutting đặc chủng” và “Sửa chữa đầu Thủy lôi UDM”, đây là bước khởi đầu chuẩn bị cho hướng nghiên cứu ứng dụng kĩ thuật Thủy Âm trong việc xây dựng hệ thống đo đạc trắc biển, xây dựng hệ thống Sensor Mạng Thủy Âm phòng thủ biển đảo.
Các cán bộ trẻ đã được tham dự lớp học về Kĩ thuật xử lí tín hiệu Tàu ngầm do chuyên gia nước ngoài trình bày, đây là những tư liệu rất quí. Ngoài ra Phòng cũng đã được trang bị thêm thiết bị PULSE cơ động, rất hữu hiệu trong công tác nghiên cứu.
***
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Phòng Kĩ thuật Sensor đã trải qua những chặng đường gian khó. Vốn là ngành tương đối độc lập trong đội hình của Phân Viện VLKT và hiện nay là Viện VLKT, Phòng có những thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ phần lớn tốt nghiệp ĐH Tổng hợp, kiến thức chung có, nhưng chuyên sâu về những hướng đặc thù của Quân đội rất ít, cho nên chủ yếu là tự đào tạo hoặc tự tìm kiếm hướng phát triển. Nhìn chung Phòng đã có những đóng góp nhất định cho công tác nghiên cứu phục vụ Quân đội, nhưng chưa có được sản phẩm có thương hiệu. Với lực lượng mới, cách nhìn mới, tin rằng trong thời gian không xa, Phòng sẽ tạo ra được sản phẩm của riêng của mình, góp phần phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung và có được vị trí xứng đáng trong đội hình của Viện Vật lý Kĩ thuật nói riêng!


[1] Đại tá, nguyên Trưởng Phòng Kĩ thuật Sensor, Phân Viện Vật lý Kĩ thuật

Flag Counter

Không có nhận xét nào: