GoogleAnalytics

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

131114. Hội KHCNQS. Thái Quang Sa. Suy Nghĩ Về 3 Giải Thưởng Hồ Chí Minh


VÀI SUY NGHĨ VỀ 3 GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐỢT 1 CỦA VIỆN TA


Thái Quang Sa[1]
Tôi nghỉ làm việc Nhà nước đã 25 năm, thực chất là nghỉ phục vụ Quân đội vì tôi nghỉ hưu từ Quân đội sau khi đã ở trong Quân đội từ năm 1950 đến năm 1988 (cộng với 2 năm chờ hưu, về hưu năm 1990, thế là vừa tròn 40 năm quân ngũ). Tôi công tác ở Viện được 16 năm, từ năm 1963 đến tháng 9-1979, khi thành lập nhà máy Z181 - Bán Dẫn Việt Nam. Những năm tháng ở Viện KHCNQS là mở đầu và gần như cả cuộc đời KHKT của tôi, nên thời gian ở Viện để lại trong tôi nhiều dấu ấn sâu đậm.
Cuộc kháng chiến chống Mĩ là một thử thách lớn của Viện: Viện có làm được gì để góp phần đánh lại một kẻ địch hùng hậu về mọi mặt và đã thi thố mọi sức mạnh sáng tạo mới nhất về vũ khí trang bị thời đại đó để đưa nước ta vào cuộc thử lửa khắc nghiệt, mà về KHKT, Viện là người lính xung kích đứng mũi chịu sào bên cạnh các quân binh chủng mới hiện đại của Quân đội ta.
Trong bối cảnh đó, Viện đã lấy nghiên cứu đối phó với vũ khí trang bị mới của địch làm nhiệm vụ chính yếu của mình và bằng mọi cách đưa nhanh kết quả nghiên cứu ra phục vụ chiến trường, không câu nệ hoàn chỉnh các bước để đưa thành trang bị chế thức. Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt đó, Viện đã huy động được sức sáng tạo và tinh thần hi sinh dũng cảm của đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong Viện, đã sớm đưa được kết quả nghiên cứu vào vận dụng thực tế, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của quân dân ta.
Sau chiến tranh, Nhà nước đã có Pháp lệnh qui định Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước ngày 04-6-1985, để tặng những công trình xuất sắc về Khoa học kĩ thuật và Văn học nghệ thuật có giá trị rất cao, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân… đã được công bố hoặc sử dụng từ ngày thành lập nước đến lúc đó. Qua một thời gian tổ chức xét duyệt, ngày 10-9-1996, Chủ tịch nước đã kí QĐ số 991KT/CTN tặng Giải thưởng HCM đợt I cho 33 công trình, cụm công trình KH, bao gồm 8 công trinh Khoa học Xã hội, 12 công trình Khoa học Y Dược, 11 công trình về Khoa học Tự nhiên và Kĩ thuật, 2 về Khoa học Nông nghiệp và 44 cụm tác phẩm về Văn học - Mĩ thuật…
Từ những công trình được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho Viện, tôi có một số suy nghĩ:
1. Tự hào vì đóng góp của Viện được Nhà nước đánh giá cao
Trong 11 công trình về Khoa học Tự nhiên và Kĩ thuật được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, trừ 5 công trình thuộc Khoa học Tự nhiên, còn lại là 6 công trình về Khoa học Kĩ thuật. Trong đó, Viện ta và một số đơn vị liên quan, được 3 giải thưởng Hồ Chí Minh, chiếm tỉ lệ 50% một tỉ lệ rất cao (3 công trình khác là: Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp, cuả các cán bộ ở Nha NCKT (Nha Nghiên cứu Kĩ thuật); Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kĩ thuật chế tạo vũ khí trong thời gian Kháng chiến Chống Pháp của GS. Trần Đại Nghĩa; và Tập hợp các công trình giới thiệu Khoa học và Kĩ thuật hiện đại (sau 1945) chỉ đạo các nhiệm vụ kĩ thuật quan trọng trong Kháng chiến Chống Mĩ của GS. Tạ Quang Bửu.)
3 cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh của Viện ta được xếp từ đầu bảng danh sách được khen thưởng về Khoa học Tự nhiên và Kĩ thuật, theo thứ tự:
1. Phá Thủy lôi Từ tính và Bom Từ trường, bảo đảm giao thông 1967-1972 cuả Viện Kĩ thuật Quân sự… (và 7 đơn vị khác).
2. Nghiên cứu chống nhiễu trong cuộc chiến tranh phá hoại cuả Không quân Mĩ ở miền Bắc, 1968, 1969, 1970, 1972 cuả Bộ Tư lệnh Phòng không, Viện Kĩ thuật Quân sự.
3. Một số vũ khí đặc biệt trong Chiến tranh Chống Mĩ (A12, DKZ nối tầm, các loại vũ khí phá chướng ngại, Thủy lôi APS) 1960-1972 của Viện Kĩ thuật Quân sự.
Từ cách  sắp sếp thứ tự công trình và câu chữ trong quyết định khen thưởng đã làm rõ nội dung công trình, được khen thưởng, tác dụng công trình đối với sự nghiệp chung cuả công cuộc Chống Mĩ cứu nước và đóng góp của các chủ thể sáng tạo nên nó.
Ở đây, việc chống phá Bom Từ trường và Thủy lôi Từ tính được đánh giá cao vì tác dụng bảo đảm giao thông trong cả chiều dài cuộc chiến tranh phá hoại, có ảnh hưởng lớn chi viện cho tác chiến ở Miền Nam.
Rồi đến Chống Nhiễu tạo điều kiện để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ mà đặc biệt là trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ở Hà Nội năm 1972.
Cụm công trình thứ 3 về Vũ khí Đặc biệt, đã được vận dụng trong chiến đấu trên các chiến trường miền Nam với nhiều sáng tạo độc đáo, phát huy tác dụng to lớn  và đầy triển vọng.
Từng cụm công trình còn ghi cả thời gian tác dụng đã phát huy, như các loại Vũ khí Đặc biệt là trong thờì gian 12 năm từ 1960 đến 1972, của cụm công trình chống phá Bom Từ trường và Thủy lôi là trong 5 năm 1967-1972, và Chống Nhiễu trong 4 năm 1968, 69, 70 và 72.
Như vậy trong chiến tranh chống Mĩ, Nhà nước đã đánh giá cao đóng góp của các công trình nghiên cứu của Viện trên các địa bàn đất nước, trong cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam, trong chiến tranh phá hoại bảo đảm giao thông, chống lại bom mìn kiểu mới của Mĩ và hạn chế tác dụng chiến tranh điện tử trong cuộc chiến tranh trên không của nước Mĩ ở miền Bắc. Nước Mĩ đã đưa các thành tựu mới công nghệ cao vào các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng tuy ở thế yếu kém hơn về nhiều mặt, lực lượng Khoa học Kĩ thuật Quân sự của Viện đã sáng tạo nên những kì tích, phối hợp với các đơn vị bạn, đã làm cho thế mạnh của địch không phát huy được như chúng mong muốn. Là người của Viện, tôi - có lẽ cũng như mọi người ở Viện - thấy rất tự hào vì điều đó.
2. Đọc kĩ quyết định: Thấy đây là sự đánh giá đúng mức
3 cụm công trình này là  những sáng tạo tập thể. Vì đây là những công trình lớn, đối tượng giải quyết cuả nó ở tầm mức vĩ mô, trải ra trong cả một thời gian dài, với nhiều thay đổi, cải tiến theo thời gian, đòi hỏi nội dung sáng tạo cũng phát triển theo để chống lại kịp thời các bước cải tiến của địch, như trong Bom Từ trường với các kiểu MK42  Model 1, 2, 3..., từ nghiên cứu gây nổ bom đến nghiên cứu làm liệt bom, bắt câm bắt nổ theo ý mình. Rồi không chỉ bom trên bộ, bom dưới nước mà cả Thủy lôi Từ tính phong tỏa đi lại trên biển… Vì thế, tham gia vào cụm công trình này, quyết định đã xác định rõ và đúng mức:
Trước tiên là Viện Kĩ thuật Quân sự, điều đó rất đúng, vì những gì Viện đã làm được ngay từ thời kì đầu - năm 1967 - rồi sáng tạo ra nhiều biện pháp và phương tiện chống phá, bền bỉ lăn lộn với thực tế để huấn luyện các đơn vị công binh, tìm cách lấy được các đầu nổ sống trên bom mới, để phát hiện các bước phát triển, bổ sung sáng tạo cách chống phá của mình trong cả thời gian dài. Sau đó, quyết định ghi lần lượt:
Bộ Tư lệnh Công Binh,
Bộ Tư lệnh Hải quân,
Viện Kĩ thuật Giao thông Vận tải,
Cục Đường bộ,
Cục Đường Sông,
Cục Đường Biển,
Cảng Hải Phòng,
Ti bảo đảm Hàng hải,
Tổ GK1 Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đây là cái nhìn công bằng, đúng đắn,  toàn diện, không chỉ một ai làm được trọn vẹn kì tích đồ sộ trong phạm vi lớn như vậy. Xin đừng ai nghĩ rằng, công lao đó là thuộc về “chỗ tôi và chỉ chỗ tôi” là hơn cả…
Giải thưởng thứ hai ghi rõ: Nghiên cứu Chống Nhiễu trong cuộc chiến tranh phá hoại cuả Không quân Mĩ ở miền Bắc 1968, 1969, 1970, 1972 cuả Bộ Tư lệnh Phòng không, Viện Kĩ thuật Quân sự. Cụm công trình này rất quan trọng nên xếp vào thứ hai. Chủ thể sáng tạo là Bộ Tư lệnh Phòng không đầu tiên, rồi đến Viện Kĩ thuật Quân sự. Điều đó là rất đúng. Từ lâu, Viện ta đã rất quan tâm vấn đề chống nhiễu, đã giao nhiệm vụ cho B23 (Phòng Thông tin Phổ biến Khoa học Kĩ thuật) từ năm 1968, theo rõi sát sao tình hình phát triển gây nhiễu và chiến tranh điện tử. Viện đã cử đoàn cán bộ tham gia với Phòng Khoa học Quân sự của Phòng không Không quân đi vào Quảng Trị để tìm hiểu nhiễu B52 và quay phim về hình ảnh nhiễu trên đài rađa của ta. Nhưng đi sâu nghiên cứu về nhiễu cụ thể là khi Viện bắt đầu nhận được một máy gây nhiễu ALQ-87 trang bị phổ biến trên máy bay chiến thuật của Mĩ. Từ đo đạc phân tích,  nhóm nghiên cứu đã xác định được giải sóng gây nhiễu, công suất nhiễu, các dạng nhiễu, sơ đồ cánh sóng, các hướng bức xạ lớn nhất và bé nhất và các vùng mù được tạo ra theo từng độ cao bay. Từ đó, tháng 9-1972, Viện đã cùng Phòng Khoa học Quân sự của Phòng không Không quân kiến nghị tận dụng mặt yếu của máy nhiễu để phát hiện máy bay địch và sử dụng  phương  pháp bắn có hiệu quả nhất. Sau khi bắn rơi B52 đầu tiên ở Hà Nội, ta thu được tài liệu và hiện vật, mới có điều kiện để nghiên cứu đúng vào máy nhiễu trên B52 (có đến 15 máy nhiễu trên một máy bay), từ đó phát hiện nhiễu của B52 rất mạnh, cường độ nhiễu cao, giải tần rất rộng từ 3 cm đến sóng mét, nhưng sơ đồ cánh sóng vẫn tương tự ALQ-87, vẫn có một vùng mù lớn dưới bụng máy bay, vùng nhiễu yếu ở hai bên sườn và phía sau, có thể lợi dụng để phát hiện và bắn trúng. Vì vậy kết luận đối với ALQ-87 có thể áp dụng để đánh B52… Đồng chí Tư lênh Phòng không Không quân có lần đã nói: … Trong thành tích bắn rơi B52 ở Hà Nội có phần tham gia của Viện Kĩ thuật Quân sự. Viện trưởng chúng ta hồi đó có nói: … Chúng ta cho rằng Viện có đóng góp phần nào đó thì cũng chỉ là một phần nhỏ bé thôi. Trận Điện Biên Phủ trên không bắn rơi 34 máy bay B52 cuả Mĩ là một thành tích huy hoàng của lực lượng Phòng không Không quân Anh hùng cuả chúng ta. Trong tạp chí Lich Sử Quân Sự số 6-2002, trang 10 có viết: … Thật ra, đánh thắng B-52 và cuộc chiến tranh điện tử qui mô lớn là kết quả cuả sự nỗ lực to lớn lâu dài của quân chủng Phòng không Không quân trong quyết tâm tìm và đánh B52 từ các địa bàn Trường Sơn, Vĩnh Linh - Quảng Bình, Nghệ An; sự chỉ đạo chặt chẽ, đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong chuẩn bị các phương án đánh B52; sự phối hợp nghiên cứu kĩ thuật vớí bố trí chiến thuật hợp lí, tìm và phát hiện các dạng sóng nhiễu và vùng mù, điểm yếu trong thế mạnh của B52, để lợi dụng về mặt chiến thuật; có sự đóng góp không nhỏ về tinh thần và trình độ thao tác của các xạ thủ - trắc thủ và cả đội ngũ chuẩn bị ở tuyến sau, bảo đảm có đủ đạn và đạn tốt cho chiến dịch…
Từ đó thấy rằng, quyết định đã đánh giá rất đúng mức sự đóng góp của Viện ta và chủ thể đầu tiên của công trình là Bộ Tư lệnh Phòng Không.
Giải thưởng thứ 3 về Vũ khí, quyết định ghi rõ độc quyền sáng tạo của riêng một tập thể là Viện Kĩ thuật Quân sự. Điều đó là rõ ràng và chính xác. Không gì có thể nói hơn.
3. Suy nghĩ nhỏ về phát triển: Hướng nghiên cứu và bối cảnh
Viện chúng ta đã qua một chặng đường dài phát triển hơn nửa thế kỉ. Đã trải qua giai đoạn âm thầm và một thời kì huy hoàng trong Kháng chiến chống Mĩ. Thời kì đánh Mĩ là một thời kì đặc biệt: Gặp thời thế, thế thời phải thế. Trước kẻ địch mạnh và giàu, đánh ta bằng những sáng tạo mới nhất của chúng. Ta nghèo, yếu về trang bị, về trình độ, nhưng có ý chí cao, buộc ta phải gồng mình lên vừa sáng tạo cách đối phó phù hợp, vừa xả thân cho sự nghiệp, chỉ tập trung đối phó với địch, rồi nhanh chóng đưa ra vận dụng, không cầu toàn, không mong chuyển thành trang bị chế thức để đạt được nhanh chóng kịp thời, hạn chế địch sớm ngày nào hay ngày ấy. Từ đó mà giành được những thành tựu huy hoàng.
Giờ đây mọi việc đã khác xa. Tự hào vì có một thời rực rỡ đã qua nhưng xin đừng mãi say sưa với quá khứ một thời đó. Ngày nay thời thế đã khác, không còn nước sôi lửa bỏng của chiến tranh thôi thúc. Hồi dó, chính kẻ địch, với những gì đưa ra thi thố, đã nêu ra yêu cầu ta phải làm gì, hướng đi đã sẵn ta chỉ còn tìm tòi trong phạm vi hẹp đã định, nên có cái dễ của nó. Địch tìm ra cái mới để đánh ta là khó, nhưng ta chống lại chúng có thể đơn giản hơn nhiều khi làm ra trang bị mới như chúng. Đối phó với chúng có thể phải có trang bị phức tạp (như xe phóng từ chống Bom Từ trường), nhưng cũng có thể không cần trang bị như thế mà chỉ cần vài chục mét dây và vài cục pin mà phổ biến ra ai cũng có thể làm được có hiệu quả…
Ngày nay không như thế. Ta không trang bị để đi đánh ai, nhưng ai đánh ta thì ta phải vừa đỡ vừa đánh lại chúng. Không thể không nghĩ đến trang bị chế thức, phổ cập đại trà. Trang bị chế thức hàng loạt những gì, là việc của Nhà nước và toàn Quân, tùy theo đồng tiền ta có. Công tác nghiên cứu ở cấp toàn Quân như chúng ta phải tham gia vào những việc lớn về trang bị như thế và các dự án phát triển trang bị. Xin đừng bận tâm với các vấn đề nhỏ. Cần làm tốt sự phân cấp:
Việc giữ tốt dùng bền vũ khí trang bị  là việc của đơn vị sử dụng.
Phát huy hiệu suất sử dụng trang bị là việc của các cơ quan nghiên cứu ở Quân Binh chủng.
Còn cơ quan nghiên cứu toàn Quân, theo tôi nên tập trung suy nghĩ vào các vấn đề lớn, ở qui mô chiến lược, vẫn bám sát mặt bằng trang bị chung, nhưng tìm tòi, xoay quanh một vấn đề, là giải quyết bài toán hiệu quả chi phí cho các phương án lựa chọn về trang bị và về các dự án phát triển, trên cơ sở nhằm vào thực tế nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đối thủ phải chạm trán, trọng tâm phải tập trung và ngân sách cho phép để thực hiện.
Với trình độ có hạn, tầm nhìn ở thấp, tôi chỉ dám xin mạnh dạn nêu ra một ý chung như vậy, khó nêu được gì cụ thể hơn. Đó là những suy nghĩ của tôi xuất phát từ tâm huyết với Viện.
Tháng 01-2014
Kính Mời bổ sung ảnh lưu niệm và chính xác hóa thông tin...

[1] Thành viên Giải thưởng Hồ Chí Minh

Flag Counter

Không có nhận xét nào: