CHUYỂN ĐỔI TỪ PHÂN VIỆN VẬT LÝ KĨ THUẬT SANG NHÀ MÁY Z181
Thái Quang Sa[1]
Nhà máy Z181 của chúng ta được thành lập ngày 15-9-1979, theo QĐ số 329/CP của Hội đồng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị kí. Về tổ chức, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, trong QĐ có ghi:
Điều 1. Thành lập Xí nghiệp Điện tử trực thuộc Tổng cục Kĩ thuật Bộ Quốc phòng, gồm V76, B9, B10, để chuyên trách sản xuất các linh kiện tích cực (bóng bán dẫn, điốt...).
Điều 2. Xí nghiệp Điện tử là một đơn vị tham gia tromg Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử của Nhà nước, có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch Nhà nước và xây dựng ngành Công nghiệp Điện tử theo phương hướng thống nhất của LHCXNĐT trên các lĩnh vực qui hoạch, kế hoạch, kĩ thuật và hợp tác quốc tế...
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu thí nghiệm của XNĐT theo chế độ hạch toán kinh tế và do TCKT thuộc Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lí.
Điều 3. Để thiết thực đáp ứng yêu cầu sản xuất, XNĐT phải có chương trình kế hoạch cụ thể nhằm gắn bó chặt chẽ việc nghiên cứu sản xuất thử các mặt hàng mới, áp dụng các tiến bộ kĩ thuật, cải tiến qui trình công nghệ... với nhiệm vụ sản xuất của xí nghiệp. Tuỳ theo yêu cầu nghiên cứu cụ thể trong từng thời gian, XN được phép sắp xếp một số cán bộ kĩ thuật và một số thiết bị vật tư... không được quá từ 5÷7 % biên chế và công suất của XN để phục vụ công việc nghiên cứu....
Trong Quyết định, Nhà máy ta được gọi là Xí nghiệp Điện tử và thành lập theo sự kết hợp 3 đơn vị... V76, B9, B10... Đây là một Nhà máy có điều kiện thành lập khác với các Nhà máy khác trong Bộ Quốc phòng và có lẽ trong cả nước: Gần như không có thiết kế nhiệm vụ, không có thiết kế tổng thể, không có hợp đồng lắp đặt dây chuyền, không có chuỷển giao công nghệ, không có đào tạo công nhân, cán bộ... Vậy làm sao lại hình thành được nhà máy ? Vì Nhà máy ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Nó được chuyển đổi từ một đơn vị nghiên cứu - Phân Viện Vật lý Kĩ thuật, trực thuộc Viện Kĩ thuật Quân sự. Không có nơi nào như ở đây, trước sau và trong ngày thành lập Nhà máy, mọi người vẫn ở vị trí làm việc, nghiên cứu và sản xuất... vì đang phải thực hiện kế hoạch năm 1979...
Để hiểu Nhà máy, phải nhìn lại quá trình phát triển của Phân Viện Vật lí Kĩ thuật, mà trước đó là Phòng Vật lý Kĩ thuật, thành lập từ ngày 20-10-1973, trước nhà máy 6 năm, để giải quyết các yêu cầu tìm hiểu các kĩ thuật mới của Mĩ dùng trong những trang bị vũ khí chiến tranh... Đó là những cơ cấu nhạy cảm quang học trong Thuỷ lôi trôi, bắt được tại gần cầu Hàm Rồng (khi thuỷ lôi trôi qua dưới cầu, vì sự biến đổi ánh sáng do bóng cầu che khuất sẽ kích nổ thuỷ lôi phá cầu), Đầu nhạy cảm từ trong Bom Từ trường, Ngòi nổ Hồng ngoại trên Tên lửa không - không, Khối Áp điện trong Ngòi nổ B41... Những cái đó gọi chung là những sensor (khối nhạy cảm hoặc cảm biến) và những khối vi điện tử, ban đầu bắt được năm 1968 trên Bom Vướng nổ (hình cầu), và sau đó là các Khối điều khiển trên Máy bay không người lái... Một vấn đề khác nhằm nắm bắt thành tựu mới để dùng trong quân sự là Laser. Vì thế, Phân Viện VLKT có 3 Phòng đi theo 3 hướng rạch ròi Phòng Quang Lượng tử, nghiên cứu về Laser và Quang học, Phòng Chất rắn, bao gồm các hướng nghiên cứu Quang dẫn, Từ và Áp điện, và Phòng Vi điện tử, gọi tắt là V74, V là Vi điện tử, 74 là năm xây dựng. V74, là công trình đầu tiên của Phân Viện VLKT được nhà nước đầu tư, dựa trên một đề án của nhóm chuyên gia Việt kiều ở Pháp đề xuất, nhằm từng bước xây dựng ngành Công nghiệp Điện tử Việt Nam. Trong nhóm, ông Ngô Hải Thái, một chuyên gia về rađa của Hãng Thompson, là người trực tiếp thực hiện các đề án này. Những kí hiệu V74, V76, B9, B10, B11, B12 là do ông Thái đặt ra cho từng đề án được xây dựng theo từng bước thoả thuận với nhà nước ta. Vì kinh phí của Nhà nước ta không nhiều, ông Thái không (hay ít) mua các dây chuyền đồng bộ, mà chủ yếu là chọn mua máy lẻ rồi ghép nối lại cho rẻ tiền...
V74, là thiết bị cho nghiên cứu, chủ yếu là nghiên cứu chế tạo Tranzito...
V76, là những thiết bị cho sản xuất mua sắm trong năm 1976, chủ yếu là sản xuất Tranzito, Điốt, kể cả công nghệ trên phiến và công nghệ lắp ráp...
Có lẽ hệ thống dùng chữ V... như V74, V76... không đủ để kí hiệu cho nhiều công trình xây dựng công nghiệp điện tử trong nước, ông đặt thêm một hệ thống kí hiệu khác:
B9, về nghiên cứu Bán dẫn, tức V74;
B10, thiết bị sản xuất Linh kiện Bán dẫn (Tranzito, Điốt), như V76;
B11 là các dây chuyền sản xuất Linh kiện Thụ động (Điện trở, Tụ điện) thuộc Bộ CKLK, và
B12 là thiết bị cho nghiên cứu và sản xuất Vật liệu Bán dẫn (Silic và dự kiến cả GaAs).
B9, B10, B12 đều thuộc Bộ Quốc phòng. Tất cả đều về Nhà máy ta...
Chỉ đơn thuần mua các thiết bị riêng lẻ như vậy, nếu không có một cơ sở đủ mạnh để làm chỗ dựa thì không thể hình thành nên Nhà máy được. Chỗ dựa đó là B29 - Phân Viện Vật lý Kĩ thuật... Trước ngày 15-9-1979, tất cả các khâu mà một nhà máy cần phải có, đều đã có sẵn. Từ nhà cửa, thiết bị, các hệ thống bảo đảm cho sản xuất... từ việc đưa thiết bị vào hoạt động, đến nghiên cứu chế tạo sản phẩm, đào tạo công nhân, sản xuất thử và sản xuất loạt nhỏ... tất cả đều đã được những con người của B29 làm gần như tất cả. Gọi là “gần như” vì còn nhiều cái khác không làm được, như giải quyết đất đai xây dựng, xây dựng nhà xưởng, tường rào… vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá... Những cái đó đều do Bộ QP và Viện KTQS giải quyết. Ngay trong công việc không làm này, B29 vẫn cử người tham gia với tư cách chuyên viên và quản lí vật tư chuyên ngành. Đó là các Anh Phạm Trung Dũng và Nguyễn Đức Uý...
Những gì Phân Viện đã chuẩn bị cho Nhà máy có rất nhiều, nhưng trước hết phải nói đến là nghiên cứu chế tạo sản phẩm, mà đầu tiên là Tranzito BFY 33-34.
Trên các thiết bị nghiên cứu đã về, từ năm 1975 phòng V74 đã bắt đầu triển khai nghiên cứu dần các công nghệ rời rạc chế tạo Tranzito, nhưng muốn tự mình nghiên cứu chế tạo được một Tranzito hoàn chỉnh thì chưa đủ... như thiếu khả năng làm mặt nạ, thiếu vật tư... chưa có thiết bị đóng vỏ... Đầu tháng 9-1976, để khắc phục những gì còn thiếu, Vịện KTQS đã tổ chức hợp tác với Viện KHVN về đề tài nghiên cứu chế tạo Tranzito. Qua tham quan đã trao đổi với nhau về nội dung và kế hoạch hợp tác, tận dụng thiết bị vật tư của nhau... Người chủ trì của đề tài ở PV VLKT là Anh Trần Cơ, bên Viện VL VKHVN, Anh Trần Xuân Hoài chỉ đạo chung. Qua triển khai thực tế, mỗi bên triển khai theo một hướng công nghệ riêng, hợp tác chủ yếu là hỗ trợ nhau về vật tư và thiết bị. Đến ngày 20-9-1976, cả hai bên cùng thông báo cho nhau biết, đều đã chế tạo thành công các phiến tranzito của mình... Sau đó được đưa ra lắp ráp đóng vỏ...
Thành công trong chế tạo Tranzito BFY 33-34 đầu tiên trong nước đã làm nức lòng cán bộ lãnh đạo trong quân đội và ngoài nhà nước. Các anh Việt kiều ở Pháp tham gia các đề án V74, V76... này đều bất ngờ và xúc động, gửi điện chúc mừng... Ngày 16-12-1977, một Hội đồng Kiểm định Chất lượng Tranzito do TS Vũ Đình Cự làm chủ tịch Hội đồng, gồm 14 thành viên “cự phách” của đất nước như các Anh Đàm Trung Đồn, Nguyễn Khang Cường, Chu Hảo, Nguyễn Xuân Chánh, Trần Xuân Hoài… đã được thành lập. Qua hơn một tháng đánh giá, kiểm tra nghiêm túc, Hội đồng đã đánh giá tốt sản phẩm của PV VLKT, đạt được các tiêu chuẩn qui định và kiến nghị đưa vào sản xuất, phát triển thêm sản phẩm để đáp ứng yêu cầu trong nước, kiến nghị sớm xây dựng Tiêu chuẩn VN về chất lượng Tranzito và tiêu chuẩn đặt tên linh kiên... Từ kết quả đó, VKTQS và UB Kế hoạch NN đã xác định, cần đẩy nhanh việc đưa vào sản xuất và sau đó UB KHNN đã ghi kế hoạch sản xuất thử cho năm 1977 hai vạn tranzito… mặc dù chưa có cơ sở sản xuất...
Một đề tài khác không mấy ai chú ý là Gốm Áp điện PZT, do Anh Đỗ Đức Chất phụ trách, cuối năm 1976 đã ra được một số mẫu cho ngòi nổ B41. Và từ đó cũng mở ra một triển vọng to lớn. Khi đoàn của UB Phát thanh và Truyền hình đến thăm Phân Viện, bất ngờ thật sự thấy ta làm được Gốm Áp điện, đã đặt yêu cầu làm thử màng Loa Áp điện. Sau khi thử đạt yêu cầu của mình, họ đã đặt hàng sản xuất số lượng lớn, nhưng lúc đó chưa thể có điều kiện để sản xuất loạt...
Trong khí thế chung của năm 1976, các bộ phận phi bán dẫn khác cũng đã có những kết quả đáng khích lệ... như các sản phẩm Quang điện (CdS, PbS), Nam châm, Laser, Màng dày, Mạch in, và cả mẫu thăm dò Thạch anh chuẩn tần số 1 MHz...
Mặt quan trọng thứ hai là chuẩn bị đội ngũ cán bộ kĩ thuật và công nhân.
Ngoài bản thân lực lượng của Phân Viện, đã có một đội ngũ cán bộ khá mạnh, liên quan đến Nhà máy sau này là 35 người của Phòng V74, 22 người của Phòng Chất rắn, Vật tư kế hoạch 5 người. Tháng 3-1977, Viện KTQS đã xin điều động từ Bộ CKLK 15 cán bộ kĩ thuật, đã được đào tạo cho ngành sản xuất Bán dẫn từ trước. Sau đó còn có thêm 4-5 cán bộ từ Tổng cục Bưu điện về Phân Viện. Đội ngũ này khi về đã hoà chung với các cán bộ Phân Viện, tìm hiểu và làm thực tế trong gần một năm rưỡi, để khi trở thành nhà máy thì đã sẵn sàng làm việc được ngay. Một lực lượng hoàn toàn mới, là đội ngũ đông đảo công nhân. Trước khi thành lập nhà máy, Phân Viện đã đào tạo được 137 công nhân trong 3 đợt (V76-1, 40 người, khai giảng 11-11-1976; V76-2, 30 người, Khai giảng 21-4-1977; V76-3, 67 người, khai giảng 04-8-1978; sau khi thành lập nhà máy còn đào tạo thêm lớp V76-4). Người phụ trách đào tạo chính là Anh Nguyễn Mạnh Dũng, và về thực hành hàn Tranzito là Chị Nguyễn Thị Nhâm, người công nhân bán dẫn được đào tạo ở nước ngoài cho Bộ CKLK, duy nhất đã về công tác ở PV VLKT lúc đó. Đội ngũ giáo viên là các cán bộ kĩ thuật Phân Viện chưa từng qua lớp sư phạm nào... Công nhân ta được đào tạo hồi đó, có trình độ lí thuyết cao hơn cả công nhân nước ngoài (vì họ không được học như ta), nhưng ta yếu về thực hành hơn, vì ta chưa có môi trường sản xuất. Để thực hành, trong thời gian còn là Phân Viện, cán bộ công nhân của ta cũng đã có dịp để được đi bổ túc thêm ở nước ngoài, chủ yếu qua con đường hợp tác KHKT của UBKHKTNN như các đoàn 5-7 người cán bộ kĩ thuật đi Đức, đi Hungari... Đặc biệt, đã có 2 đoàn tương đối lớn 15 người (5 KS và 10 CN) đi thực tập ở Nam Tư trong năm 1978 đến đầu năm 1979. Trong thời gian còn là PV VLKT, cũng có một số ít được đi tham quan tìm hiểu theo hợp đồng mua bán thiết bị tại các Nhà máy ở Pháp, về sản xuất Tranzito, Điốt, và Silic... 2 người đi Nhật Bản nhận Máy hàn... Về gốm sứ, Phân Viện đã cử một số công nhân gửi đi thực tập ở Nhà máy Sứ Hải Dương và thực tập sản xuất Khí ở Nhà máy sản xuất Khí Yên Viên...
Như vậy, khi Nhà máy còn chưa được thành lập thì các việc chuẩn bị về kĩ thuật và đội ngũ đã sẵn trong lòng Phân Viện VLKT. Nhờ đó khi trở thành Nhà máy đã có ngay kế hoạch của Nhà nước giao và việc sản xuất không mất thời gian gián đoạn chờ đợi nào.
Mặt quan trọng thứ 3, Phân Viện chuẩn bị cho Nhà máy là xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật.
Vì độ sạch trong sản xuất bán dẫn có yêu cầu rất cao, nên nhà xưởng đã được những người lập đề án mua sẵn nhà lắp ghép gửi về nước. Ở nhà, Viện KTQS đã tổ chức một Ban Xây dựng, thuê làm móng cho 7 ngôi nhà theo bản vẽ thiết kế. Rồi khi đã có móng, một chuyên gia Việt kiều - Anh Hoàng Long Hưng - về hướng dẫn dựng ghép những ngôi nhà kiểu mới đó. Tiến độ thi công khá nhanh, mỗi tuần lắp một nhà hoàn chỉnh. Phần còn lại, mọi việc đều do cán bộ công nhân Phân Viện lăn lưng làm tiếp, như bố trí qui hoạch, chuyển máy vào từng vị trí, ghép nối thành dây chuyền, đi các đường dẫn điện, khí, nước (phần này có thợ chuyên môn giúp một phần). Khó khăn có nhiều, và trong khó khăn đã nảy ra nhiều sáng kiến khắc phục. Tôi còn nhớ, sau khi xây xong nhà cho nước DI (khử Ion), bệ máy, một khối lớn bê tông nặng, phải đúc tại chỗ đã nằm sẵn trong nhà trên 4 trụ cao su chống rung. Nhưng khi máy về thì không biết làm sao đưa vào cho lọt, vì không qua được cửa chính. Mọi người đã bàn bạc, không ai nỡ nào phá cửa cho máy vào, đã tìm cách cho máy “bò” qua cửa sổ. Dùng các thùng (phuy) xăng kê ngoài cửa sổ, cho máy nằm lên đó, rồi chuyển dịch dần sang bệ máy qua cửa sổ. Kết quả đã an toàn đưa máy vào vị trí. Một rắc rối khác là khi đưa 2 máy ép vỏ nhựa vào nhà lắp ghép. Không thể dựng đứng máy ở bên ngoài, vì sẽ quá cao vào không lọt cửa. Phải đưa máy vào theo tư thế nằm. Nhưng khi máy đã vào vị trí, làm sao dựng được máy lên bằng sức người mà bảo đảm không được ảnh hưởng đến độ chính xác của máy... Thế là phải để nguyên hòm đựng máy mà dựng, để không được trực tiếp kê kích vào thân máy. Khi kê kích máy đứng lên đến được 45 độ (nghiêng) thì chịu không nâng được nữa, phải dùng dây ròng rọc, lấy khung nhà làm điểm tựa để kéo máy lên trong nỗi lo... sập nhà. Nhưng rồi máy đã dựng được an toàn, khung nhà có hơi rung rinh, nhưng vẫn trụ vững... Những khắc phục như thế có nhiều như khi lắp thêm điều hoà cục bộ, làm thêm bệ chống rung cho các máy chính xác mà không chạm đến sàn nhà... Cũng không phải những nhà thiết kế không gửi bản vẽ về, nhưng có lẽ vì họ không hiểu hết thực tế và không bàn với cán bộ công nghệ ở nhà, chỉ chủ quan theo ý mình nên phần không phù hợp quá nhiều, ở nhà đã bàn cách thay đổi lại. Điều đó cũng phần nào làm họ phật ý, nhưng họ phải chịu vì tính hợp lí của nó. Ngoài ra, còn có những nhà sản xuất phụ như khí các loại, cơ khí, nhà vệ sinh công nghiệp, nhà cầu nối liên hoàn 7 nhà lại thành một hệ thống... đều là những gì còn thiếu trong thiết kế tổng thể... mà Phân Viện đã bổ sung hoàn chỉnh... Quá trình đó đã diễn ra chủ yếu trong các năm 1976-1977 và một phần của năm 1978. Đó là một bài ca lao động hào hùng, đáng tự hào của các thành viên trong Phân Viện và cũng là những thành viên tương lai của Nhà máy.
Cứ thế, Phân Viện chuyển thành nhà máy không có thời gian gián đoạn, ngừng nghỉ để xây dựng. Hầu như ranh giới chuyển đổi từ Phân Viện VLKT sang Nhà máy Z181 chỉ hình thành trên danh nghĩa, trên các mối quan hệ quản lí đối với cấp trên, với Viện KTQS và với bộ máy tổ chức của Tổng cục Kĩ thuật, còn trong nội bộ, công việc vẫn tiến triển với nhịp độ nhanh nên sự chuyển đổi đó không có gì đáng gọi là bước nhảy lớn. Chỉ có về tổ chức, Phân Viện ban đầu được tách dần ra những bộ phận sẽ không còn liên quan, như tách phòng Quang Lượng tử về trực thuộc VKTQS từ giữa tháng 10-1977, trở thành B24 của Viện. Đến ngày 21-8-1979, tách tiếp bộ phận Từ và một số cán bộ làm Quang dẫn (các Anh Lê Thái Lai, Phạm Văn Hoài, Chị Nguyễn Thị Ngữ… về Viện). Số người còn lại, ngoài Phòng V74 và công nhân mới đào tạo ra, vẫn còn có các bộ phận khác như Mạch in, Màng dày, Áp điện, và một phần Quang dẫn. Về mặt tổ chức, họ vẫn còn ở Phân Viện VLKT trực thuộc Viện KTQS cho đến hết thời gian bàn giao với Viện ngày 31-8-1979. Sau ngày đó tuy chưa có quyết định, nhưng bộ phận còn lại của Phân Viện VLKT đã được coi như Nhà máy và trực thuộc Tổng cục Kĩ thuật. Tuy vậy, tổ chức mới còn gắn với Viện KTQS cho đến hết năm 1979 về những vấn đề chưa tách ra được, như đường đi lại trong khu, chỗ ăn ở trong tập thể của Viện KTQS...
Từ thực tế nói trên cho chúng ta thấy, đặc điểm nổi bật riêng có của nhà máy ta là nhà máy được hình thành do sự phát triển của Phân Viện Vật lý Kĩ thuật, một đơn vị nghiên cứu trong Quân đội. Những con người trong đơn vị nghiên cứu đó, bằng kiến thức và tình yêu gắn bó với ngành chuyên môn của mình, đã đồng tâm góp sức xây dựng nên Nhà máy do Nhà nước đầu tư, bổ sung những gì còn chưa đầy đủ của thiết kế ban đầu để hoàn chỉnh nó và chính mình trở thành người của Nhà máy đó.
Tháng 12-2008
Kính Mời bổ sung ảnh lưu niệm và chính xác hóa thông tin...
Kính Mời bổ sung ảnh lưu niệm và chính xác hóa thông tin...
[1] Đại tá, nguyên Giám đốc, nguyên Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội Z181, Chủ tịch Hội Truyền thống Viện KHCNQS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét