aaaaaaaa
NHỮNG
NĂM THÁNG TỰ HÀO VÀ HẠNH PHÚC
Nguyễn Cẩn Ruyện[1]
Từ giữa
những năm 60, Đế quốc Mĩ tăng cường và đẩy mạnh chiến tranh, dùng không quân,
hải quân đánh phá miền Bắc và phong toả cảng Hải Phòng. Thời gian này, tôi đang
công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước, trong biên chế của Viện Liên hợp Nghiên
cứu Khoa học Tự nhiên (tiền thân của Viện Khoa học Việt Nam sau này). Trang
thiết bị nghiên cứu hầu như không có gì nhưng anh chị em trong Phòng Vật lý chúng
tôi cố gắng tìm mọi cách để nghiên cứu góp phần phục vụ chiến đấu và sản xuất.
Chúng tôi đã ứng dụng phương pháp Phân tích Quang phổ để đánh giá, phân loại
thép và hợp kim ở Nhà máy Cơ khí Hà Nội, dùng phương pháp Huỳnh quang để phát
hiện các vết nứt rất nhỏ trong các chi tiết cơ khí của ôtô ở Nhà máy Cơ khí
Trần Hưng Đạo; đặc biệt, chúng tôi đã được giao nghiên cứu phương pháp chiếu
sáng mặt đồng hồ chỉ thị phương vị của Pháo Cao xạ để phục vụ cho việc bắn đêm
thuận tiện và an toàn. Tuy chưa đạt được kết quả mong muốn cuối cùng (hoàn
chỉnh và ứng dụng) nhưng đề tài này đã tạo cho chúng tôi ý thức và phương pháp
phát hiện và giải quyết những vấn đề có thể nghiên cứu phục vụ chiến đấu.
Cuối
năm 1968, trong khi chúng tôi đang mong muốn sử dụng chuyên môn để phục vụ
chiến đấu thì tôi cùng 4 cán bộ nghiên cứu của Uỷ ban Khoa học Nhà nước được
lệnh biệt phái sang công tác tại Cục Nghiên cứu Kĩ thuật - Bộ Quốc phòng. Tôi
(Vật lý Quang phổ) và anh Trần Đàm (Vật lý Bán dẫn) được phân về làm việc ở Ban
Vật liệu, Phòng Điện tử. Vừa thoả mãn được nguyện vọng phục vụ Quân đội, vừa ý
thức được sự tin cậy và trông đợi của Thủ trưởng Cục Kĩ thuật, của Phòng Điện
tử, chúng tôi nhận nhiệm vụ với tinh thần phấn chấn và ý thức trách nhiệm. Một
điều thú vị đối với tôi, Trưởng Phòng Điện tử lúc đó là anh Ngô Đức Thọ thì tôi
đã có dịp quen biết trong thời gian anh và tôi cùng thực tập ở Liên Xô, còn anh
Thái Quang Sa, Trưởng Ban Vật liệu lại là phu quân của chị bạn học cùng trường,
cùng khoá với tôi ở trường cấp III Hải Dương. Hơn nữa, lúc đó ở Phòng Điện tử
đã có một số đồng nghiệp chuyên ngành Vật lý đang làm việc như anh Cao Đức
Thảo, anh Nguyễn Kim Khuê (Ban Anten - Truyền sóng), anh Trịnh Đông A (Ban Kĩ
thuật Điện tử), anh Nguyễn Hữu Sưởng (Ban Vật liệu). Thế là ngay từ những ngày
đầu, tôi đã có được cả sợi dây trách nhiệm, chuyên môn và tình cảm gắn bó tôi
với Quân đội.
Nhiệm
vụ chính thức đầu tiên tôi được giao là chuẩn bị, triển khai việc lắp đặt máy
Quang phổ Hồng ngoại UR-20 của CHDC Đức. Máy UR-20 là một tổ hợp những cơ cấu
điện tử - cơ khí cực kì phức tạp, chính xác và phải được bảo quản trong điều
kiện nghiêm ngặt về nhiệt độ và độ ẩm. Máy do 2 chuyên gia của hãng Carl Zeiss
Lena - CHDC Đức trực tiếp lắp ráp, hiệu chỉnh tại chỗ. Tôi và anh Lê Đình Minh
(tốt nghiệp Đại học Minsk - Belarus ngành Quang phổ) cùng Ban Xây dựng cơ bản
và Ban Vật tư của Cục đã thiết kế, cải tạo hai phòng tầng một (khu C) thành
phòng đặt máy, bên trong có đặt một máy điều hoà xịn của Nhật (Daikin) với hệ
thống làm lạnh bằng nước lưu thông liên tục. Giữa lúc chiến tranh ác liệt đang
diễn ra ở cả hai miền Nam Bắc, toàn Cục Kĩ thuật và Phòng Điện tử bận trăm công nghìn việc phục vụ chiến đấu,
có muôn vàn khó khăn nhưng vẫn đặt mua một thiết bị khoa học hiện đại và huy
động mọi lực lượng, phương tiện, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về bảo quản để
lắp đặt thành công máy UR-20 đã làm cho tôi rất xúc động về sự quan tâm của
Lãnh đạo đối với lĩnh vực Kĩ thuật Hồng ngoại và cảm nhận ngay được bài học đầu
tiên về tính hiệu quả của cách làm viêc và chỉ huy trong Quân đội. Máy Quang
phổ Hồng ngoại UR-20 làm việc trong vùng Hồng ngoại Trung bình, có tính năng
chủ yếu là nghiên cứu phân tích thành phần và cấu trúc phân tử của các chất hữu
cơ (là chủ yếu) và vô cơ nên trong thực tế, chưa được sử dụng nhiều trong lĩnh
vực Kĩ thuật Hồng ngoại tại thời điểm đó. Tuy nhiên, sự hiện diện và đưa vào
hoạt động một thiết bị nghiên cứu Quang phổ Hồng ngoại hiện đại duy nhất ở Việt
Nam tại một cơ sở nghiên cứu của Quân đội đã tạo nên một niềm tin về trình độ
và định hướng phát triển lĩnh vực nghiên cứu Vật lý Kĩ thuật Quân sự. Hầu như
tất cả các đoàn Lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, các Quân Binh chủng khi đến thăm và
làm việc với Viện Kĩ thuật Quân sự đều được giới thiệu tham quan máy Quang phổ
Hồng ngoại UR-20.
Song
song với việc đưa vào sử dụng máy UR-20, chúng tôi đã khẩn trương xây dựng cơ
sở vật chất cho việc nghiên cứu Vật lý Kĩ thuật (VLKT): đặt mua thêm những
thiết bị cần thiết mới, tập trung những mẫu vũ khí khí tài có liên quan đến
VLKT, đặc biệt là Kĩ thuật Hồng ngoại (KTHN) của ta và của địch…
Cuối
năm 1970, bộ phận nghiên cứu VLKT được bổ sung thêm ba cán bộ trẻ mới tốt
nghiệp chuyên ngành Vật lý của Đại học Tổng hợp là Trần Tiến Nam (Vô tuyến), Vũ
Tiến Đức (Bán dẫn) và Nguyễn Quốc Thắng (Lí thuyết). Thời gian này, để tăng
tính hiệu quả và giảm thiệt hại về người, để thực hiện chủ trương tự động hoá
chiến trường, Mĩ đã sử dụng các loại vũ khí, khí tài hoạt động dựa trên những
thành tựu mới nhất về Vật lý và Công nghệ. Từ những hiện vật thu được, từ những
tài liệu thông tin, từ thực tế quan sát, phán đoán ở chiến trường, chúng ta đã
khẳng định một số vũ khí, khí tài hiện đại Mĩ đã và đang sử dụng ở VN như sau:
Các loại vũ khí điều khiển: Thuỷ
lôi Áp điện; Thuỷ lôi Từ tính; Thuỷ lôi Quang điện; Tên lửa )tự dẫn bằng) Sóng
điện từ; Tên lửa (tự dẫn) Hồng ngoại; Bom Từ trường; Mìn Vướng nổ; Bom (điều
khiển bằng) Hình ảnh; Đo xa Laser; Bom (điều khiển bằng tia) Laser.
Các loại khí tài trinh sát: khí
tài Phát hiện Âm thanh - Chấn động; thiết bị Nhìn đêm Khuyếch đại Ánh sáng yếu;
thiết bị Nhìn ảnh Nhiệt.
Việc
nghiên cứu xác định nguyên lí hoạt động, tính năng tác dụng (ưu điểm và hạn chế)
của các loại vũ khí, khí tài này, từ đó đề ra các biện pháp đối phó là yêu cầu
cực kì quan trọng và cấp thiết. Để thực hiện nhiệm vụ này, một mặt phải thu
thập thông tin từ các đơn vị, chiến trường (chiến thuật, tính năng, tác dụng,
hiệu quả…), mặt khác phải tìm mọi cách thu thập những hiện vật liên quan đến
các loại vũ khí, khí tài địch đang sử dụng. Tôi đã có dịp đi cùng anh Ngô Đức
Thọ đến Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân để khảo sát những mảnh vỡ của những
thiết bị trong máy bay của địch bị bắn rơi. Cá nhân tôi còn được cấp một Giấy Giới
thiệu do đích thân Tổng Tham mưu trưởng kí để đi đến bất cứ nơi nào có máy bay
rơi để thu thập những chi tiết cần thiết cho nghiên cứu.
Đối với
những vũ khí, khí tài sử dụng ở mặt đất như Thuỷ lôi Áp điện, Thuỷ lôi Quang
điện, Bom Từ trường, Bom Vướng nổ, “Cây Nhiệt đới” phát hiện Âm thanh - Chấn
động, chúng ta đã thu thập được những hiện vật “sống” và đã kịp thời nghiên cứu
chi tiết và sớm đưa ra được các biện pháp chống phá có hiệu quả.
Ngay từ
năm 1966, 1967, Mĩ đã sử dụng một loại thuỷ lôi có điều khiển để phá cầu Hàm
rồng (Thuỷ lôi Hàm Rồng). Từ đầu điều khiển thu được, anh Đàm Trung Đồn (Tổ
trưởng bộ môn Vật lý Chất rắn, Khoa Vậ lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) cộng
tác với Cục Nghiên cứu Kĩ thuật cùng với anh Trịnh Đông A (Phòng Điện tử) đã
nghiên cứu sâu sắc và hoàn chỉnh kết cấu và cơ chế điều khiển của loại Thuỷ lôi
Quang điện này.
Riêng
về Đầu điều khiển nổ BomTừ trường MK42 với các môđen khác nhau đã được nhiều
đoàn đi vào chiến trường 559 trực tiếp tháo gỡ thu hồi trên những quả bom chưa
nổ. Một mất mát lớn là trong khi thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn và nguy hiểm
này, hai kĩ sư vật lý trẻ: anh Hoàng Kim Giao và anh Lê Hoài Tuyên đã anh dũng
hi sinh.
Nhờ có
những đầu MK42 thu hồi được, anh Trịnh Đông A (Vật lý Điện tử) cùng các đồng
chí Phòng Điện tử đã nghiên cứu một cách sâu sắc nguyên lí hoạt động của Bom Từ
trường, từ đó đề ra được những biện pháp chống phá có hiệu quả. Sau đó, cơ cấu
bộ phận nhậy cảm bằng màng mỏng từ của MK42 cũng đã được anh Ngô Tuấn Dũng (Vật
lý Từ) nghiên cứu chi tiết, bổ sung vào kết quả nghiên cứu hoàn chỉnh đầu MK42.
Anh
Trần Đàm (Vật lý Bán dẫn) trên cơ sở nghiên cứu các lớp tiếp xúc bán dẫn và đo đạc
các thông số đã xác định được cấu trúc của Mạch Vi điện tử (IC) trong Bom Vướng
nổ hình cầu góp phần vào việc nghiên cứu hoàn chỉnh cơ cấu gây nổ của loại mìn
này.
Đối với
những vũ khí, khí tài chưa có hiện vật trong tay như Tên lửa (tự dẫn) Hồng
ngọai (Rắn đuôi kêu), Bom (tự dẫn bằng) Hình ảnh (TV Bomb), Bom (điều khiển
bằng) Laser (Laser Guide Bomb LGB), Thiết bị Nhìn ảnh Nhiệt (Forward Looking
Infrared FLIR), Thiết bị Truyền hình Ánh sáng yếu (Low Level Light Television
LLLTV), Khí tài Nhìn đêm Khuyếch đại Ánh sáng yếu… chúng tôi đã dựa vào bản
chất vật lý của ba yếu tố cơ bản: nguồn phát - môi trường truyền - nguồn thu và
những quan sát về chiến thuật và kĩ thuật sử dụng, những thông tin tư liệu từ
các nguồn khác nhau để xác định nguyên lí hoạt động, những ưu nhược điểm (cả về
kĩ thuật và chiến thuật), đồng thời tiến hành những nghiên cứu thử nghiệm, từ
đó đề ra các biện pháp phòng tránh và chống phá. Xin nêu hai kết quả nghiên cứu
điển hình: Thiết bị Nhìn ảnh Nhiệt FLIR và Bom (điều khiển bằng tia) Laser
LGB.
- FLIR
là thiết bị có khả năng phát hiện những nguồn nhiệt (khoảng từ 30˚C
trở lên) trong đêm tối, hoạt động trong vùng cửa sổ truyền bức xạ của khí quyển
8÷13 µm, hệ quang học dùng vât liệu Gecmani, bộ phận thu là cơ cấu hợp chất vật
lý Cd:HgTe hoặc Ge:Hg, có cấu trúc mosaic, được làm lạnh ở nhiệt độ He lỏng (4˚K),
được lắp ở bên ngoài, phía trước của máy bay (forward looking). Đối tượng phát
hiện chủ yếu thường là các phương tiện giao thông đang hoạt động trên đường,
các bãi tập kết xe, nơi tập trung đông người có sử dụng các nguồn phát nhiệt
(bếp, xe cộ, máy phát điện, các phương tiện chiếu sáng...). Dựa trên những đặc
điểm về nguyên lí và tính năng hoạt động của FLIR, kết hợp với việc khảo sát
giản đồ bức xạ nhiệt của ô tô vận tải, chúng tôi đã đưa ra những khuyến cáo về
những biện pháp phòng tránh, nhằm hạn chế khả năng phát hiện của FLIR.
Sau
này, chúng tôi có cơ hội nghiên cứu các thiết bị FLIR còn nguyên vẹn thu được
của địch và thấy rằng tất cả các phán đoán trước đây về nguyên lí, thậm chí cả
cấu trúc, vật liệu của FLIR là chính xác.
- Khoảng
từ năm 1966, qua các thông tin, qua các quan sát về chiến thuật và nhất là qua
đánh giá về độ chính xác của các cuộc đánh phá của không quân Mĩ, ta đã khẳng
định là địch đã sử dụng Bom (điều khiển bằng tia) Laser ở chiến trường Việt Nam.
Thủ trưởng Viện KTQS đã giao nhiệm vụ gấp rút tìm hiểu chính xác về mặt kĩ
thuật và chiến thuật để có phương án đối phó với loại bom hiện đại này. Dựa vào
trình độ phát triển và đặc điểm, tính năng của các loại Laser vào thời kì đó,
chúng tôi đã xác định: Laser đặt trên máy bay để chiếu vào mục tiêu là loại
Laser Rắn YAG:Nd , bước sóng 1,06 µm (vùng Hồng ngoại Gần), làm việc ở chế độ xung; độ chính xác tuỳ
thuộc vào mức độ phù hợp tối ưu của yếu tố chiến thuật và kĩ thuật: độ chính
xác và ổn định khi chiếu Laser vào mục tiêu - độ phản xạ từ mục tiêu - độ
truyền qua của môi trường tốt và ổn định - tín hiệu thu được ở đầu thu lớn và
ổn định. Từ những nhận xét dựa trên cơ sở khoa học - kĩ thuật và chiến thuật sử
dụng trên đây, chúng tôi đã nêu ra những biện pháp có thể thực hiện để đối phó
với loại bom “thông minh” này. Viện đã cử nhiều đoàn có sự tham gia của những chiến
sĩ kĩ thuật của Tổ VLKT đến những nơi có thể là mục tiêu đánh bom LGB của địch
để trực tiếp thử nghiệm kết hợp với nghiên cứu các biện pháp chống phá (tạo màn
khói bao phủ mục tiêu, gây nhiễu đầu tự dẫn )… Thời gian sau khi Mĩ ngừng đánh
phá miền Bắc, tôi đã tham gia một đoàn (cùng anh Trương Ngọc Vĩnh); các anh
Nguyễn Văn Thơi, Lê Đỗ Thái và Vũ Tiến Đức tham gia một đoàn khác vào chiến
trường 559 để tiếp tục khảo sát thử nghiệm kĩ thuật và chiến thuật sử dụng bom
LGB của địch.
Đầu năm
1973, ta thu được một đầu điều khiển bom LGB hầu như còn nguyên vẹn (đầu điều
khiển tách ra khỏi thân bom và rơi trượt theo sườn đồi ở Hữu Lũng - anh Vũ Tiến
Đức đã được cử đi thu hồi). Theo chỉ thị của Viện trưởng Hoàng Đình Phu, một Tổ
nghiên cứu gồm một số cán bộ nghiên cứu Phòng VLKT và Phòng ĐT do anh Ngô Đình
Liêu làm Tổ trưởng đã được thành lập để nghiên cứu toàn diện nhưng phải bảo toàn
nguyên trạng Đầu điều khiển (ĐĐK) của LGB trong thời hạn 3 tháng. Tôi được giao
nhiệm vụ phụ trách nhóm nghiên cứu phần thu của ĐĐK. Ngay sau khi bộ phận kính
lọc bức xạ được tháo rời ra khỏi ĐĐK, chúng tôi lập tức đo phổ truyền qua của
kính lọc. Cả nhóm hồi hộp theo rõi kim chỉ độ truyền qua theo bước sóng qua máy
đơn sắc và vỡ oà sung sướng khi kim vẽ ra một hình phổ truyền qua rất hẹp với
bước sóng cực đại là 1,06 µm. Thế là ta đã xác định được thông số quan trọng
nhất của ĐĐK là bước sóng làm việc. Kết quả này được Tổ trưởng Ngô Đình Liêu
báo cáo ngay cho Viện trưởng Hoàng Đình Phu. Thủ trưởng Phu sau đó trực tiếp
gọi điện cho tôi hỏi thêm chi tiết và khen ngợi, động viên. Nghiên cứu tiếp
theo là xác định bản chất của yếu tố thu qua phổ độ nhậy và cấu trúc của yếu tố
thu liên quan đến nguyên lí điều khiển của ĐĐK. Như vậy, chỉ trong một thời
gian ngắn, chúng tôi đã xác định được những thông số cơ bản của phần thu của
ĐĐK. Điều quan trọng là những thông số được xác định hoàn toàn phù hợp với
những phán đoán của chúng tôi về LGB trước đây. Đáng tiếc là chúng tôi không có
thời gian và phương tiện để nghiên cứu những vấn đề sâu hơn, chẳng hạn như phản
ứng của ĐĐK đối với môi trường và nhiễu quang học.
Có thể
nói hầu như tất cả những vũ khí, khí tài dựa trên những thành tựu mới nhất của
Vật lý và Công nghệ mà Mĩ đã sử dụng trong chiến tranh ở VN đã được các “nhà
Vật lý” phối hợp với các “nhà nghiên cứu” của Phòng Điện tử, Phòng Vũ khí,
Phòng Hoá… của Viện KTQS khảo sát khá đầy đủ.
Cần
phải nhấn mạnh đến vai trò của các tài liệu thông tin. Ngoài kiến thức cơ bản
về Vật lý, hầu hết những hiểu biết cập nhật về khoa học, kĩ thuật, thậm chí cả
nguyên lí, tính năng tác dụng của các loại vũ khí, khí tài của địch mà chúng
tôi nghiên cứu đều do khai thác những tài liệu khoa học và thông tin. Chúng tôi
rất cám ơn Lãnh đạo của Viện vì trong thời gian đó đã ý thức được tầm quan
trọng của thông tin khoa học kĩ thuật quân sự và đã tạo dựng nên một Trung tâm
Thông tin khá toàn diện và phong phú. Hầu hết các tạp chí hàng tháng của tất cả
các quân binh chủng Mĩ đều có trong kho tài liệu của Trung tâm Thông tin.
Việc
tập trung những cán bộ Vật lý để nghiên cứu những vũ khí, khí tài của Mĩ không
những đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ chiến đấu mà còn thể hiện một chủ trương
của Lãnh đạo Viện KTQS, của Bộ Quốc phòng là xây dựng và phát triển một số
ngành Kĩ thuật Quân sự mới, hiện đại như: Quang - Hồng ngoại, Laser, Vật liệu Điện
tử, Sensor. Tất cả các đoàn của Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các Quân Binh chủng,
khi đến thăm Viện đều được giới thiệu về các lĩnh vực Vật lý trên đây. Bản thân
tôi đã được trực tiếp giới thiệu với Quân uỷ Trung ương và Lãnh đạo Bộ Quốc
phòng về Laser và Kĩ thuật Hồng ngoại và viết một bài báo giới thiệu về Laser
đăng hết trọn một trang báo Quân đội Nhân dân (năm 1971).
Cho đến
hôm nay, sau 45 năm nhìn lại, tôi thật tự hào và hạnh phúc vì đã có những năm
tháng được là Chiến sĩ Nghiên cứu Kĩ thuật Quân sự, được là một trong những
viên gạch đầu tiên làm nền móng cho Viện Vật lý Kĩ thuật Quân sự hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét