GoogleAnalytics

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

141114. Hội KHCNQS. Trần Thức Vân. Viện Vật Lý Kĩ Thuật Hình Thành Và Phát Triển


VIỆN VẬT LÝ KĨ THUẬT HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


Trần Thức Vân[1]

Trong thời kì đầu chiến tranh chống Mĩ, Bộ Đại học đề nghị với Bộ Quốc phòng bố trí công việc để giáo viên các trường tham gia phục vụ chiến đấu. Thủ trưởng Bộ đã giao nhiệm vụ đó cho Viện Kĩ thuật Quân sự.
Nhân dịp Bộ Tư lệnh Thông tin yêu cầu Viện Kĩ thuật Quân sự nghiên cứu một loại anten làm việc được dưới điều kiện bom đạn, Thủ trưởng Phân viện Điện tử mở một đề tài nghiên cứu về anten chôn đất. Nhiệm vụ đó được giao cho tổ anten truyền sóng do tôi phụ trách.
Đây là một nội dung nghiên cứu đòi hỏi lí thuyết cao và thực nghiệm phức tạp. Vì vậy Thủ trưởng Viện muốn chọn đề tài này để tranh thủ lực lượng Bộ Đại học phục vụ cho Quân đội. Theo sự thỏa thuận giữa Bộ Đại học và Viện, các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm và Đại học Bách khoa cử người tham gia thực hiện đề tài.
Đề tài do đồng chí Ngô Đức Thọ làm chủ nhiệm và gồm hai bộ phận. Nghiên cứu về lí thuyết do Khoa Vật lý Trường Đại học Tổng hợp đảm nhiệm, anh Hoàng Phương - Chủ nhiệm Khoa làm Trưởng nhóm. Nhóm thực nghiệm bao gồm Tổ Truyền sóng và Anten của Viện Kĩ thuật Quân sự và anh Nguyễn Khang Cường - Đại học Tổng hợp, anh Phan Anh - Đại học Bách khoa cùng tham gia. Tổ đề tài làm việc say sưa tại một làng cách Hà Nội gần 50 cây số, dưới làn máy bay của địch trong điều kiện thiếu thốn về vật chất. Về sau, Khoa Lý của Trường Đại học Sư phạm do anh Triết, Chủ nhiệm Khoa chủ trì tự tổ chức nghiên cứu anten chôn đất tại sân trường.
Sau ba tháng làm việc đề tài kết thúc. Buổi tổng kết được tiến hành tại Ủy ban Khoa học Nhà nước do anh Tạ Quang Bửu chủ trì với sự tham gia của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thông tin, Viện trưởng Viện Kĩ thuật Quân sự, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp và Đại học Bách khoa.
Sau khi nghe anh Hoàng Phương và anh Nguyễn Khang Cường thay mặt tổ đề tài báo cáo kết quả và ý kiến thảo luận của hội nghị, anh Tạ Quang Bửu kết luận: “Thời gian triển khai đề tài ngắn, kết quả thu được còn hạn chế, nhưng cái quan trọng nhất là Quân đội có những nội dung nghiên cứu đòi hỏi trình độ khoa học cao bảo đảm điều kiện để hợp tác giữa các Trường và Viện Kĩ thuật Quân sự”.
Đấy là thời điểm ban đầu (1967) Viện thấy được vai trò của Vật lý và đội ngũ cán bộ nghiên cứu Vật lý đối với sự phát triển của Viện và Quân đội.
Vào những năm 60 và đầu năm 70 của thế kỉ 20, Mĩ ứng dụng những thành tựu của vật lý, đã tạo được những hệ thống vũ khí có mức độ tự động cao như Bom Từ trường, Bom Vướng nổ, Thủy lôi Từ tính, Áp điện, Quang điện, Bom Truyền hình, Bom (điều khiển bằng) Laser, Tên lửa (tự dẫn) Hồng ngoại, Tên lửa (tự dẫn bằng) Sóng điện từ, Hàng rào Mắc Namara. Có những loại vũ khí vừa mới sản xuất được vài tháng đã đưa vào thử nghiệm như loại Tên lửa tự dẫn AGM 78.
Tìm hiểu, nghiên cứu xác định tính năng chiến - kĩ thuật, đề ra các biện pháp đối phó kịp thời là một nhiệm vụ cấp bách. Điểm quan trọng nhất là chúng ta trên cơ sở nghiên cứu những tính năng chủ yếu của trang bị để đề ra biện pháp đối phó. Muốn vậy đối với Viện, ngoài lực lượng của Viện phải huy động một số lực lượng nhà nước mà chủ yếu là những cán bộ Vật lý có trình độ ở Trường Đại học Tổng hợp.
Do tầm quan trọng của Vật lý Kĩ thuật, để đối phó với trang bị có mức độ tự động cao của đối phương, năm 1970 Viện đã thành lập một Ban Vật lý Vật liệu trong Phòng Điện tử. Đến 20-10-1973 Ban Vật lý tách khỏi phòng Điện tử thành Phòng Vật lý Kĩ thuật, tiền thân của Viện Vật lý Kĩ thuật hiện nay.
Trong thời kỳ còn làm Viện trưởng Viện Kĩ thuật Quân sự, tôi nhận xét thấy về mặt tổ chức Viện Vật lý Kĩ thuật là ổn định hơn cả và có tính chất độc quyền vì chỉ có Viện Kĩ thuật Quân sự mới có Viện Vật lý còn các Quân Binh chủng đều không có. Các đơn vị nghiên cứu khác của Viện, tổ chức không ổn định và phải chịu ảnh hưởng phụ thuộc vào việc tổ chức nghiên cứu của đơn vị. Ổn định và độc quyền là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển Viện Vật lý Kĩ thuật.
Trình độ hiện đại của chiến tranh tương lai phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển khoa học kĩ thuật và khả năng vận dụng các thành quả đó vào Quân đội. Cho nên Viện Vật lý Kĩ thuật ngoài những công việc thường xuyên nên có bộ phận theo dõi về sự phát triển của ngành Vật lý và khả năng ứng dụng nó vào trang bị cho Quân đội để có hướng đối phó tránh bị động trong chiến tranh tương lai.


[1] Thiếu tướng GS. TS. nguyên Viện trưởng Viện Ki thuật Quân sự

Flag Counter

Không có nhận xét nào: