ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC: LIÊN BANG NGA
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tổng thống Vladimir Putin
TUYÊN BỐ CHUNG VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI
TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN BANG NGA NHÂN CHUYẾN THĂM LIÊN
BANG NGA CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (11-2014)
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với thành phần hẹp và mở rộng với Tổng thống Liên bang
Nga V.V. Putin, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A. Medvedev,
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga V.I. Matvienko, Quyền Chủ
tịch Đu-ma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga I.I. Melnikov. Tổng Bí thư Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã đặt vòng hoa
tại Mộ Liệt sĩ vô danh, Lăng V.I. Lenin và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh,
gặp gỡ các cựu chiến binh, chuyên gia Nga từng làm việc tại Việt Nam và đại
diện Hội Hữu nghị Nga-Việt.
Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, đánh giá
kết quả phát triển quan hệ toàn diện giữa hai nước trong thời gian sau chuyến
thăm chính thức Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Tổng thống V.V. Putin
vào ngày 12 tháng 11 năm 2013, thống nhất những biện pháp cụ thể để tiếp tục mở
rộng hợp tác.
Trong không khí tin cậy, hai bên cũng đã trao đổi một số vấn đề
quốc tế và khu vực.
I. Quan hệ Việt-Nga
1. Lãnh đạo hai nước khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán
đường lối tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, đáp ứng lợi
ích lâu dài của nhân dân hai nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục
các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
2. Hai bên đánh giá cao các cơ chế đối thoại chính trị tích cực
giữa Việt Nam và Nga ở cấp cao và cấp cao nhất, chủ trương tiếp tục củng cố hơn
nữa quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng “Nước Nga thống nhất” và các
chính đảng khác của Liên bang Nga, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa
phương và các tổ chức xã hội của hai nước.
3. Hai nhà lãnh đạo đánh giá tích cực sự năng động trong hợp tác
kinh tế - thương mại song phương và xác định những tiềm năng để tiếp tục phát
triển lĩnh vực hợp tác này. Hai bên nhấn mạnh các bộ, ngành có thẩm quyền của
hai nước cần tiếp tục nỗ lực để giải quyết nhiệm vụ nâng kim ngạch thương mại
hai chiều lên 10 tỉ USD vào năm 2020.
4. Hai bên nhấn mạnh vai trò điều phối quan trọng của Ủy ban
liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa
học - kĩ thuật (UBLCP), các Tiểu ban và Tổ công tác của Ủy ban liên Chính phủ
trong việc chuẩn bị và triển khai các dự án và các chương trình hợp tác; Ủy ban
liên Chính phủ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện những thoả thuận đã
đạt được.
5. Hai bên bày tỏ hài lòng về quá trình đàm phán Hiệp định
thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan
(Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus và Cộng hòa Kazakhstan), ủng hộ mong muốn của
các bên thúc đẩy đàm phán để kí vào năm 2015. Việc kí kết một hiệp định thương
mại tự do toàn diện và cân bằng sẽ là yếu tố quan trọng cho việc hình thành môi
trường thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam và Nga tiếp tục hợp tác hiệu quả
trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Phía Việt Nam hoan nghênh các quốc gia thành viên Liên minh Hải
quan đã hoàn thành thủ tục nội bộ để Hiệp ước về Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu
lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 và bày tỏ tin tưởng rằng, việc Liên minh bắt
đầu hoạt động sẽ góp phần vào việc bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững trong
khu vực và trên thế giới.
6. Hai bên cho rằng cần tăng cường đầu tư vào nhau, trong đó có
các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy, nhiên liệu, năng
lượng và các lĩnh vực khác. Hai bên xác định nhiệm vụ tiếp tục hoạt động tích
cực trong khuôn khổ Tổ Công tác cấp cao Việt-Nga về các dự án đầu tư ưu tiên,
song song với việc kí kết và triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt
Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
7. Hai bên nhấn mạnh tính chiến lược của hợp tác trong lĩnh vực
năng lượng hạt nhân, trước hết là việc xây dựng tại Việt Nam Nhà máy điện hạt
nhân đầu tiên Ninh Thuận 1 bằng công nghệ tiên tiến nhất, bảo đảm an toàn tối
đa và hiệu quả kinh tế cao. Hai bên thống nhất đẩy nhanh việc thực hiện dự án
xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Phía Nga khẳng định tiếp tục giúp CHXHCN Việt Nam đào tạo cán bộ
và nâng cao năng lực cho chuyên gia, các nhà khoa học và cán bộ hành chính
trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, sẵn sàng nhận
công dân Việt Nam vào học tại các trường đại học của Nga về chuyên ngành nguyên
tử. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng tiếp tục mở rộng trao đổi giữa các cơ quan
có thẩm quyền của hai nước về việc xây dựng hệ thống quốc gia bảo đảm an toàn
hạt nhân tại Việt Nam.
8. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
và Tổng thống Liên bang Nga đánh giá cao hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, kêu
gọi thực hiện tích cực các dự án hiện có và khởi động các dự án hợp tác mới,
tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước (Tập đoàn Gazprom,
Công ty cổ phần Zarubezhneft, Công ty cổ phần Rosneft và Tập đoàn Dầu khí quốc
gia Petrovietnam) hoạt động trên lãnh thổ của hai nước. Hai bên quyết định tăng
cường hợp tác, mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa
Việt Nam, được xác định bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai bên hoan nghênh nỗ lực của các tổ chức Việt Nam và Nga trong
việc thiết lập quan hệ hợp tác theo các hướng triển vọng, trong đó có lọc dầu,
hóa dầu, cung cấp khí hóa lỏng cho Việt Nam, sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu
khí sử dụng cho động cơ. Hai bên thống nhất đẩy nhanh tiến độ đàm phán để đạt
được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
9. Hai bên ủng hộ việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng điện
với trọng tâm là thu hút các tổ chức chuyên môn của Nga tham gia vào việc hiện
đại hóa các cơ sở năng lượng được Liên Xô hỗ trợ xây dựng trước đây và xây mới
các công trình năng lượng theo Kế hoạch phát triển ngành năng lượng điện Việt
Nam đến năm 2030.
10. Hai bên nhấn mạnh triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực như
công nghiệp khai thác khoáng sản và công nghiệp hóa chất, luyện kim, giao
thông, bao gồm hàng không dân dụng, sản xuất máy móc, đóng tàu, sự tham gia của
các tổ chức chuyên môn của Nga vào việc phát triển đường sắt và lắp ráp các
loại toa xe ở Việt Nam.
11. Hai bên khẳng định sự cấp thiết phải mở rộng quan hệ trong
lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp, tổ hợp công nông nghiệp, công
nghiệp nhẹ, bao gồm tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nga, tuân
thủ đầy đủ các yêu cầu về chất lượng và các tiêu chuẩn thú y và kiểm dịch thực
vật của Nga, thu hút các doanh nghiệp Việt Nam thành lập cơ sở sản xuất nông
nghiệp, liên doanh chế biến các sản phẩm thủy, hải sản và đồ gỗ, hàng dệt may,
da giày trên lãnh thổ Nga, trong đó có tỉnh Moskva và vùng Viễn Đông.
12. Hai bên cho rằng cần tăng cường và đa dạng hóa hợp tác trong
lĩnh vực tài chính tín dụng, bao gồm việc sử dụng các thẻ thanh toán và đồng
nội tệ trong các thanh toán kinh tế đối ngoại, tăng cường sự tham gia của Ngân
hàng Việt-Nga trong việc thực hiện các dự án song phương trong lĩnh vực dầu khí
và năng lượng. Hai bên khẳng định cần tăng cường sử dụng tiềm năng của Ngân
hàng Đầu tư quốc tế với tư cách nguồn tài chính cho các dự án công nghiệp và
các dự án cơ sở hạ tầng lớn hiện đang cần thu hút các khoản tín dụng dài hạn.
13. Hai bên nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của hợp tác quân sự
và kĩ thuật quân sự cũng như trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Đây là lĩnh
vực hợp tác không nhằm chống lại bất cứ ai, dựa trên sự tin cậy cao, được thực
hiện theo đúng các nguyên tắc và qui định của luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm
hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
và trên thế giới nói chung.
14. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định tầm quan trọng của việc đưa hợp tác
trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ lên tầm chiến lược. Hai Bên cùng
quan tâm đến việc thúc đẩy thành lập Đại học Công nghệ Việt-Nga tại Hà Nội cũng
như bảo đảm hoạt động ổn định của Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu khoa học
nhiệt đới Việt-Nga nhằm triển khai những dự án hợp tác song phương trọng điểm.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền
thông, bao gồm phát triển và sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS
của Nga.
15. Hai bên hoan nghênh việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực
nhân văn, bao gồm việc mở rộng trao đổi đoàn cấp bộ, ngành, tổ chức thường
xuyên trên cơ sở luân phiên Những ngày văn hóa, đẩy mạnh tiếp xúc trong lĩnh
vực truyền thông báo chí, lưu trữ, giữa các hội hữu nghị và các tổ chức xã hội
khác.
16. Hai bên thống nhất cùng tổ chức trong năm 2015 những sự kiện
quan trọng kỉ niệm các mốc đáng nhớ trong lịch sử hai nước, bao gồm 65 Năm
thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nga (30-01), 40 Năm giải phóng miền Nam Việt
Nam và thống nhất đất nước (30-4), 70 Năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc
vĩ đại (09-5), 70 Năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9)
nhằm lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tình hữu nghị Việt-Nga.
17. Hai bên hài lòng nhận thấy số lượng khách du lịch Nga đến
Việt Nam tiếp tục tăng, khẳng định tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực du
lịch.
18. Hai bên nhấn mạnh đóng góp quan trọng của các công dân Việt
Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nga và của các công dân Nga đang
sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam trong việc duy trì quan hệ hữu nghị
truyền thống, sự giúp đỡ lẫn nhau và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hai Bên
khẳng định tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và công
dân Nga sinh sống, học tập và làm việc ở mỗi nước, bao gồm giải quyết kịp thời
các vấn đề về hoạt động lao động của công dân, trong khuôn khổ luật pháp quốc
gia; cũng như tính đến quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga và lợi ích
hợp pháp của công dân hai nước.
19. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
và Tổng thống Nga ủng hộ đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan
trong đấu tranh chống di cư bất hợp pháp, trước hết trong khuôn khổ Tổ Công tác
Việt-Nga về vấn đề này.
Sau hội đàm cấp cao, hai bên đã kí các văn kiện hợp tác trong
các lĩnh vực quan trọng.
II. Các vấn đề quốc tế và khu vực
1. Hai bên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước và
nhận thấy sự gần gũi hoặc tương đồng lập trường của Việt Nam và Nga trong các
vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên khẳng định mong muốn tiếp tục phối hợp hành
động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan
tâm tại các diễn đàn quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương nhằm xây dựng trật tự
thế giới đa cực, công bằng dân chủ dựa trên sự tối thượng của luật pháp quốc
tế, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của tất cả các
quốc gia với vai trò chủ đạo của Liên Hợp Quốc với tư cách cơ chế toàn cầu trong
duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
2. Hai bên bày tỏ hài lòng về mức độ phối hợp hành động cao
trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, trong đó có cả các vấn đề như các biện pháp bảo
đảm minh bạch và củng cố lòng tin trong vũ trụ, an ninh thông tin quốc tế, an
ninh giao thông đường bộ, khẳng định sẵn sàng tiếp tục ủng hộ nhau ứng cử vào
các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như các cơ quan điều hành của các tổ chức
này. Hai Bên đạt được nhận thức chung về sự cần thiết tiếp tục quá trình thảo
luận giữa các quốc gia thành viên trong việc cải tổ các cơ quan chủ chốt của
Liên Hợp Quốc nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi tối đa về vấn đề này.
3. Việt Nam và Nga cho rằng an ninh quốc tế là không chia tách
và toàn diện, xuất phát từ việc an ninh của một quốc gia không thể được bảo đảm
bằng an ninh của các quốc gia khác, bao gồm cả việc mở rộng các liên minh chính
trị - quân sự toàn cầu và khu vực.
4. Hai bên nhất trí rằng, sự can thiệp từ bên ngoài vào xung đột
trong nước của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt cấm vận đơn phương không tính
đến đặc thù chính trị nội bộ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và các đặc thù khác sẽ
làm mất ổn định và gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Hai bên nhấn mạnh
không chấp nhận sự can thiệp bằng vũ lực từ bên ngoài vào công việc của các
quốc gia có chủ quyền, trái với các chuẩn mực luật pháp quốc tế, trong đó có
Hiến chương Liên Hợp Quốc.
5. Trước thềm Kỉ niệm 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh thế
giới thứ hai, Việt Nam và Nga kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xét lại kết quả
của Chiến tranh thế giới thứ II, phủ định vai trò quyết định của nhân dân Liên
Xô trong chiến thắng thế lực phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, mở ra con đường
giải phóng cho nhiều quốc gia thoát khỏi ách thuộc địa và cho rằng, việc truyền
bá trong thế giới hiện đại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và phân biệt chủng tộc là
nguy hiểm và không thể chấp nhận được.
6. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục các nỗ lực chung của
cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới tất cả các
hình thức và biểu hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế vững chắc.
7. Phía Nga bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc chuẩn bị
và tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
8. Hai bên nhận thấy mối nguy hiểm của việc chạy đua vũ trang
trong không gian vũ trụ và tầm quan trọng của phát triển hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực khai thác vũ trụ vì mục đích hòa bình, bày tỏ sẵn sàng hợp tác trong
khuôn khổ xây dựng và thúc đẩy dự án Hiệp ước về ngăn chặn triển khai vũ khí
trong không gian vũ trụ, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong vũ
trụ.
9. Hai bên nhấn mạnh cần quan tâm đến các vấn đề liên quan đến
biến đổi khí hậu toàn cầu, quản lí nguồn nước bền vững, bao gồm nguồn nước đi
qua nhiều lãnh thổ, nhất trí cùng phối hợp hành động chặt chẽ trong các lĩnh
vực này.
10. Hai bên tin tưởng rằng, bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn
định, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau là những nhân tố nền tảng cho sự phát
triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vai trò là một trong
những cực của trật tự thế giới đa cực đang hình thành. Hai bên bày tỏ ủng hộ
vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong hệ thống
các diễn đàn đối thoại và cơ chế hợp tác khu vực, trong cấu trúc khu vực đang
định hình. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy các nỗ lực tăng cường hợp
tác an ninh, hợp tác và phát triển bền vững mới tại khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương.
11. Hai bên nhấn mạnh các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các
tranh chấp khác tại không gian Châu Á - Thái Bình Dương cần được các bên liên quan
giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ
lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển
năm 1982 nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực. Việt Nam và Nga
ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển
Đông (DOC) năm 2002 và sớm đạt được Bộ Qui tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông
(COC).
12. Hai bên ủng hộ thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác đối thoại
Nga-ASEAN, trong đó có tính đến việc Liên minh Kinh tế Á-Âu và Cộng đồng ASEAN
được thành lập vào năm 2015. Hai Bên khẳng định mong muốn tăng cường phối hợp
trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN
(ARF) và cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
13. Hai bên bày tỏ sẵn sàng làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong
khuôn khổ các liên kết khu vực đa phương khác, bao gồm Diễn đàn Á-Âu (ASEM),
Hội nghị về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á và đối thoại hợp
tác ở châu Á (CICA).
14. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao vai
trò và vị thế của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với
tư cách là cơ chế hợp tác kinh tế có qui mô lớn nhất, đi đầu trong quá trình
liên kết kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên bày tỏ hài lòng về
sự phối hợp hiệu quả trong triển khai các hướng ưu tiên trong hoạt động của
APEC. Phía Nga khẳng định sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt cho Việt Nam khi Việt Nam
đăng cai tổ chức Năm APEC 2017.
III. Cuộc hội đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống
V.V. Putin đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị truyền thống, cởi mở và tin
cậy lẫn nhau. Hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga
của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng
sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện
Việt-Nga.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bày
tỏ cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và mến khách phía Nga đã dành cho Tổng Bí thư và
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và mời Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin thăm
chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp. Tổng thống Liên bang Nga V.V.
Putin đã cảm ơn và nhận lời mời. Thời gian cụ thể chuyến thăm sẽ được thỏa
thuận qua đường ngoại giao.
***
Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin đã chứng kiến Lễ kí 9 văn kiện hợp tác
giữa hai nước:
Hiệp định
giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về đối tác chiến
lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ.
Hiệp định
giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong
lĩnh vực liên lạc, công nghệ thông tin và thông tin đại chúng.
Kế hoạch
hành động chung về hợp tác giữa Tổng cục Hải quan nước CHXHCN Việt Nam và Cơ
quan Hải quan Liên bang Nga nhằm chống lại các vi phạm hải quan giai đoạn 2014-2016.
Bản Ghi
nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thể dục thể thao giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Thể thao Liên bang Nga.
Một số
thỏa thuận hợp tác về dầu khí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét