GoogleAnalytics

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

060813. Hội Z181: Kỉ Niệm 30 Năm Thành Lập. 30 Năm - Bấy Nghĩa Tình Mênh Mông (9-2009)


HỘI Z181: KỈ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP NHÀ MÁY Z181


30 NĂM - BẤY NGHĨA TÌNH MÊNH MÔNG

Năm 1970, mùa hè, sau hơn 3 năm học sơ tán[1] và hơn một năm học tại Hà Nội, tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Khoa Vật lí, chuyên đề Vật lí Chất rắn, Bán dẫn với đề tài “Nghiên cứu hiện tượng cộng hưởng thuận từ điện tử...” (một đề tài nghiên cứu có cả lí thuyết và thực nghiệm trên máy mới nhất của Liên Xô lúc bấy giờ) dưới sự hướng dẫn của Thầy [Phạm Doãn Hân] và Thầy Đàm Trung Đồn. Đang nghỉ hè ở quê[2] thì các bạn cùng lớp lên nhà chơi và thông báo tin nóng hổi “xuống ngay Hà Nội, nhận quyết định vào Bộ đội”...
Sau khi dự Lớp huấn luyện Quân (sự) Chính (trị), ngày 02-11-1970, nhập ngũ tại Đại học Kĩ thuật Quân sự[3], chúng tôi được phân công về các đơn vị. Ngày 08-12-1970, tôi cùng 7 Anh Em khác về Viện Kĩ thuật Quân sự, 1 người về Máy tính, 3 người về Hóa, 1 người về Sinh, 3 người[4] về Phòng Nghiên cứu Điện tử B7 do Đại tá [Ngô Đức Thọ][5] đứng đầu. Anh [Lê Hoài Tuyên] về Tổ Điện tử, Anh [Nguyễn Quốc Thắng] và tôi về Tổ Vật liệu. Sau này còn Anh Lê Quốc Hùng (từ BTL Công an Vũ trang), Anh Đỗ Đức Chất (từ Cục Quản lí Xe)... và nhiều Anh Em từ đơn vị (Lê Thái Lai...) chuyển về.
Tổ Vật liệu do các Anh Đào Kim ĐứcNguyễn Cẩn Ruyện phụ trách, gồm các Anh Lê Đỗ Thái, Trần Đàm, Lê Đình Minh, Bùi Minh Tuấn, Chị Trần Thị Viễn. Tôi được Tổ phân công tìm hiểu về Đầu Nhậy cảm[6]. Mới ra trường, còn trẻ, chưa biết gì nhiều…
Ấn tượng đầu tiên: Nhiệm vụ mênh mông.
Nhưng được các Anh Chị lớn tuổi chỉ bảo, tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc, tìm hiểu những kĩ thuật mới đang có trên chiến trường Việt Nam. Lúc này, một phương tiện chiến tranh mới nhất đang được thử nghiệm - đó là Bom điều khiển tự dẫn bằng tia Laser. Tài liệu rất ít, các tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài gần như không có, chỉ có vài trang ngắn gọn (do cơ quan tình báo cung cấp). Lãnh đạo Viện chỉ đạo, để hạn chế ảnh hưởng phá hoại của Bom Laser, dựa vào nguyên lí hoạt động của Bom, có thể dùng các biện pháp làm suy giảm tia dẫn đường hoặc dùng tia dẫn đường khác “kéo” Bom ra khỏi mục tiêu. Cả Tổ Vật liệu “loay hoay” tìm cách giải quyết, cuối cùng đề xuất phương án, được Lãnh đạo Phòng và Lãnh đạo Viện phê duyệt. Đúng 1 năm sau ngày về Viện, 08-12-1971, Tổ Laser gồm 3 người (Anh Lê Đỗ Thái là tổ trưởng, Anh Nguyễn Văn Thơi và tôi) lên đường vào 559, thử nghiệm giải pháp kĩ - chiến thuật hạn chế ảnh hưởng phá hoại của Bom Laser, tại Binh trạm 32 (Xê Băng Hiêng).
Khu vực Binh trạm 14 (Ta Lê) gặp nhiều khó khăn vì Bom Từ trường và có thể Bom Laser, chúng tôi được tăng cường đến đó. Anh Tuyên thuộc Tổ Từ trường (vào 559 trước tôi) gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng nhau “dạo” dọc sông Ta Lê tìm đầu điều khiển Bom Từ trường. Khi đỉnh Cao Sơn phát hiện có Bom Từ trường, Anh Tuyên lên đó xử lí.
Ngày 23-3-1971, khi đang theo dõi máy bay địch đánh phá khu vực ngầm Ta Lê, chúng tôi bị Bom phát quang nổ ngay cửa hang, mấy Anh Em hi sinh ngay, 1 anh cán bộ công binh bị thương nặng gẫy đùi, tôi bị sức ép. Ngày 26-3-1971, Anh Tuyên hi sinh anh dũng cùng Anh Nhiên (cán bộ công binh của 559) khi đang làm nhiệm vụ.
Mất mát đầu tiên: Thương tiếc mênh mông.
Kết thúc đợt công tác 6 tháng, chúng tôi về Hà Nội, tổng kết, viết tài liệu đi huấn luyện… Đầu hè năm 1972, một đêm, Đoàn do Phó Viện trưởng [Nguyễn Đình Năm], dẫn đầu có lệnh đột xuất đi Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đến nơi, được tiếp nhận một “sản phẩm đặc biệt” từ trên trời rơi xuống, đó là Đầu điều khiển Bom Laser còn nguyên vẹn (bị ngứt ra khỏi thân bom khi đang rơi). Tôi được tham gia Tổ nghiên cứu do Anh [Ngô Đình Liêu] chỉ đạo, đóng trụ sở trong Thành (gần cơ quan Bộ Tổng Tham mưu). Mổ xẻ, suy nghĩ, trao đổi, tổng kết, viết tài liệu… thì có lệnh, chuẩn bị chuyển giao “sản phẩm đặc biệt” để Lãnh đạo cấp cao tặng Đoàn đại biểu cấp cao Liên Xô. Sau này, được biết, các kết quả nghiên cứu của ta, trùng với các kết quả nghiên cứu của Liên Xô (chuyển cho ta).
Kỉ niệm khó quên: Kết quả mênh mông.
Theo hướng dẫn của Anh Trần Văn Châu, tôi được phân công viết bài báo đầu tiên của mình “Đầu nhậy cảm trong kĩ thuật quân sự” trong Tập san Kĩ thuật Quân sự. Năm 1973, ngày 15-6, tuyên thệ trước cờ và ảnh Lãnh tụ, tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh. Những năm tiếp theo, được giao nhiệm vụ nghiên cứu quang dẫn, làm quang trở, ẩm trở… Tôi vẫn nhớ Anh Cao Lan, các Anh các Chị Tổ Quang dẫn những ngày gắn bó: Võ Hòa Bình, Lê Thành Công, Nguyễn Thị Dung, Lê Đình Đạo, Phạm Văn Hoài, Lê Thái Lai, Phan Thu Lương, Dương Thanh Mai, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Thị Ngữ, Đỗ Thế Nhuận, Bùi Hồng Thắng, Nguyễn Nguyệt Tĩnh, Trần Đại Tuất… Lần đầu tiên được vào Lăng Bác, tham quan hầm kĩ thuật của Lăng.
Cảm xúc khó quên: Tổ quốc mênh mông.
Năm 1979, thành lập Nhà máy Z181, tôi được giao nhiều nhiệm vụ tại Phân xưởng Điốt A7, Đoàn thực tập nghiên cứu - sản xuất Bán dẫn - Vi điện tử tại Tiệp Khắc, Phân xưởng Tranzito A5, Phòng Kinh tế - Kế hoạch - Điều độ B4… Tôi vô cùng biết ơn tập thể Anh Chị Em cán bộ, công nhân tập trung suy nghĩ, kịp thời đề xuất và tích cực thực hiện các giải pháp kĩ thuật, kinh tế và quản lí hành chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là các Anh, các Chị:
Trần Hồng Hoa, [Phạm Hạnh Lợi], Thẩm Ngọc TúTrần Viết… Phân xưởng Điốt A7 chủ động đề xuất phương án cải tạo mặt bằng để hợp lí hoá dây chuyền sản xuất.
Nguyễn Huy Bình, Trần Bình, Bùi Thức Châu, [Hà Ngọc Châu], [Vũ Khắc Cường], Nguyễn Văn Đạch, Dư Khắc Hà, Phạm Tuấn Hà, Đinh Trọng Hoàn, Nguyễn Quang Huân, Phạm Giang Linh, Nguyễn Đức Long, [Phạm Hạnh Lợi], Nguyễn Tuyết Mai, Nguyễn Đôn Nguyên, Trần Mạnh Phúc, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Quang Toàn… Đoàn thực tập tại TESLA Piešt’any (Tiệp Khắc) luôn duy trì họp Đoàn vào tối Chủ nhật hàng tuần (để trao đổi kinh nghiệm và quản lí quân số), hàng tháng báo cáo kịp thời với Nhà máy qua Thương vụ tại Praha. 
Trịnh Văn Bột, Lê Thuý Hà, Nguyễn Thị Hôm, Nguyễn Lan Hương, Phạm Thanh Hương, Phạm Thu Hương, Trần Đình Lí, Lương Minh Nguyệt, Trần Đức Sông, Nguyễn Hồng Toàn, Đỗ Quang Xuyền... Phân xưởng Tranzito A5 chủ động đề xuất phương án tính Lương sản phẩm trong dây chuyền sản xuất Tranzito xuất khẩu. 
Trần Hữu Bình, [Võ Quốc Công], Trịnh Đức Cường, Hoàng Văn Điền, Phạm Văn Hải, Phan Văn Hùng, Ngô Thị Tân, Nguyễn Hồng XuânPhòng tham mưu B4 bám sát kế hoạch, điều chỉnh tiến độ nghiên cứu và sản xuất, đề xuất phương án kinh tế…
Tôi vô cùng biết ơn Đảng uỷ và Lãnh đạo Nhà máy luôn giáo dục, giúp đỡ, động viên tôi lúc khó khăn. Đó là các Bác Trịnh Đông A, [Nguyễn Đình Dung], Vũ Đình Khôi, Đào Ngọc Liễn, Đặng Minh Ngạc, Thái Quang Sa, Nguyễn Quang Thuyến
Trong khoảng thời gian này, tôi gặp được một nửa yêu thương - vợ tôi, đảng viên Nguyễn Thị Loan, người phụ nữ tuyệt vời - chúng tôi sống với nhau đã gần 30 năm mà vẫn như thuở ban đầu.
Con trai tôi - Vũ Tiến Nam - mới vào đội quân Z181... 
Con gái tôi - Vũ Quỳnh Anh - học Ngoại thương - Ngân hàng... làm việc tại Ngân hàng Quân đội...
Đơn vị khó quên: Nghĩa tình mênh mông.
Năm 1985, tôi được chuyển ra Văn phòng Tổng cục Điện tử và Kĩ thuật Tin học…
Năm 1989, tôi được chuyển sang Viện Công nghệ Vi điện tử, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia…
40 năm ra trường, với Viện Kĩ thuật Quân sự,
30 năm với Z181… Bấy nhiêu Nghĩa Tình mênh mông trong Gia đình tôi.
Nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Nhà máy, xin được bầy tỏ lòng biết ơn nghìn người của Z đã dành cho Gia đình tôi mênh mông Nghĩa Tình, bằng mấy vần thơ hò hẹn sau đây:

HẸN GẶP LẠI

Vạn mốt ngày[7] đã trôi qua
Z ta” thành lập để mà hôm nay
Gặp nhau thân ái nơi đây
Tặng nhau từng chuỗi chuyện hay, tiếng cười
Ba mươi năm đã qua rồi
Còn đây hay đã xa rời nhớ thương
Cả ngày vui chuyện vấn vương
Hẹn năm sau nhé, lại lên nơi này…
Hội Z181
Tháng 2009-2013


[1] Huyện Đại Từ, Thái Nguyên
[2] Cát Trù (Đất Lành, Trù Phú), Cẩm Khê (Suối Gấm), Phú Thọ (Giàu mạnh, Bền lâu)
[3] Thôn Tam Lộng, Thị xã Vĩnh Yên, nay là Học viện Kĩ thuật Quân sự
[4] Vũ Tiến Đức (Vật lí Chất rắn), [Nguyễn Quốc Thắng] (Vật lí Lí thuyết), [Lê Hoài Tuyên] (Vật lí Vô tuyến)
[5] Thủ trưởng [Ngô Đức Thọ] - Phó Viện trưởng kiêm Trưởng Phòng
[6] Датчик, Sensor, Capteur, 传感器
[7] 30 năm = 10.950 ngày

Flag Counter

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Địa chỉ email của cháu
cdmhongquan@gmail.com
cám ơn chú