GoogleAnalytics

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

010713. Bạn Đọc Viết: Chu Đình Thúy Về Gs Ngụy Như Kon Tum (4-2013)


BẠN ĐỌC VIẾT: CHU ĐÌNH THÚY
NHỚ VỀ THẦY HIỆU TRƯỞNG KÍNH MẾN


Khi tôi chào đời cũng là khi Thầy Ngụy Như Kon Tum đã hoàn tất những năm tháng học tập, nghiên cứu ở một trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp “Ecole Normales Superieure” hồi hương, trở thành giáo sư dậy Vật lý - Hóa học của Trường Bưởi nổi tiếng thời đó cùng với các... 
Thầy Hoàng Xuân Hãn (dậy Toán), Thầy Phạm Duy Khiêm và Thầy Nguyễn Mạnh Tường (dậy tiếng Pháp).
Mười tám năm sau, năm 1960 tôi thi đậu vào học Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi Thầy được Bác Hồ kính yêu đích thân kí quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng từ lúc trường được thành lập năm 1956 cho đến khi Thầy nghỉ hưu vào năm 1982 với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Nhà giáo Nhân dân (năm 1990). Thầy đã đi xa về với “thế giới người hiền” trên hai chục năm nay, song những hồi ức về Thầy vẫn luôn rõ nét trong tôi, nhất là dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh năm nay của Thầy.
Như các sinh viên vật lý mới vào trường năm ấy, tôi thật sự hãnh diện vì được bước theo con đường học tập mà Thầy đã xuất sắc vượt qua từ ngót 30 năm trước. Tuy nhiên, tôi lại đinh ninh rằng một Đại trí thức thuộc hàng “Khai quốc công thần” cao sang như Thầy chắc là khó gần lắm, bởi lẽ từ thời trai tráng Thầy đã từng là một trong hai  học sinh bản xứ đậu hạng xuất sắc ở cả 2 trường Quốc học Trung Kì và Thành chung Bắc Kì, nhận học bổng toàn phần sang Pháp học đại học vào năm 1933, để rồi  6 năm sau đã thành người Việt Nam đầu tiên nhận học vị Thạc sỹ Vật lý ở tuổi 26. Kế đó Thầy cũng là người đã có vinh dự làm nghiên cứu sinh ở Phòng thí nghiệm Phóng xạ dưới sự lãnh đạo của Nhà bác học Pháp đoạt giải Nobel về Vật lý Joliot Curie nổi tiếng, và nếu như không có Đại chiến thế giới thứ II thì Thầy đã là Tiến sĩ Vật lý Hạt nhân nguyên tử đầu tiên của nước ta từ những năm nửa đầu của thế kỉ trước. Thầy cũng đã nhiều năm là Giáo sư Lý - Hóa của Trường Bưởi với nhiều thế hệ học trò có tên tuổi, là Giám đốc Đông Dương Học xá, Giám đốc Trung học vụ thuộc Bộ Giáo dục của nước Việt Nam độc lập.
Một cơ may hiếm hoi đã đến với tôi khi tôi đang học năm thứ hai đại học, tôi được Chi đoàn thanh niên cử tham gia phụ đạo chương trình học cấp 3 cho 2 cán bộ của trường là Bác Trịnh Thuận, Bí thư Đảng ủy và vợ Thầy là Cô Nguyễn Thị Đỗ, cán bộ hành chính nhà trường. Và thế là ngôi nhà 28 Nguyễn Huy Tự đã trở nên quen thuộc với tôi sau nhiều buổi tối học phụ đạo của Cô Đỗ và Bác Thuận. Hơn thế nữa, cảm nghĩ của tôi về Thầy trước đây từ đó đã đổi khác, Thầy với tôi không còn khó gần mà đã như người Cha, người Chú giản dị, thân mật và chân tình.
Sinh viên vật lý Việt Nam vào những năm 60,70 của thế kỉ trước, ở trong cũng như ngoài nước đều thích đi vào chuyên ngành Vật lý Lý thuyết, Vật lý Hạt nhân, Vật lý Chất rắn và Vật lý Vô tuyến Điện tử. Tôi lại được phân công vào học ngành Quang phổ mà vẫn thấy vui vì biết rằng Thầy Hiệu trưởng nhà trường là người đứng đầu ngành vật lý nước nhà khi đó đã đích thân quan tâm đầu tư cho quang phổ sau khi đã đầu tư cho vật lý hạt nhân và vật lý lý thuyết, và cũng vì các Thầy Ngô Quốc Quýnh, Nguyễn Văn Bửu và Lê Thanh Hoạch đã kể cho nghe nhiều câu chuyện dí dỏm về Thầy cùng những kinh nghiệm có được của Thầy từ những năm làm nghiên cứu ở Pháp. Bộ môn Quang phổ ở trường, thời gian đầu tuy tập trung chủ yếu vào phân tích, nhưng nhờ thế mà Thầy Phan Văn Thích và tôi đã có được đóng góp hữu ích trong chế tạo chất phát quang phục vụ quân sự và giao thông vận tải trong chiến tranh chống Mĩ cứu nước.
Kết thúc khóa học vào năm 1964, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dậy bộ môn Vật lý Quang phổ. Con cả của Thầy, anh Ngụy Hữu Tâm tuy chỉ kém tôi một tuổi nhưng do được sang CHDC Đức học nghề từ bé nên vào đại học chậm hơn tôi ít năm, cũng là sinh viên của bộ môn vào thời gian này, nhờ thế tôi đã có điều kiện giảng và hướng dẫn thực tập chuyên đề quang phổ cho anh, quan hệ giữa anh em chúng tôi vẫn thân tình và tốt đẹp đến ngày nay.
Năm 1967 cùng nhà trường sơ tán lên Đại Từ - Bắc Thái, tôi lại có may mắn được sống ở nhà dân ngay cạnh ngôi nhà dành cho gia đình Thầy. Cuộc sống của gia đình Thầy ở nơi sơ tán thật giản dị, hòa nhập với cán bộ, công nhân viên nhà trường và nhân dân địa phương. Có thời gian, để chuẩn bị tham dự liên hoan văn nghệ của trường, tôi đã nhiều ngày sang tập bài “Trường ca Sông Lô” ở nhà Thầy nhờ anh Tâm đệm đàn Accordeon với sự động viên khuyến khích của  Thầy, Cô .
Những năm sơ tán cũng là những năm bộ môn Quang phổ của trường có nhiều đổi mới, các Thầy Đinh Văn Hoàng, Phan Văn Thích mới ở Liên Xô về, ngoài hướng phân tích quang phổ truyền thống vẫn được duy trì, Quang Lượng tử là hướng mới được quan tâm phát triển, tôi được bộ môn cho chuẩn bị đề cương làm nghiên cứu sinh theo hướng này.
Cán bộ giảng dậy trẻ chúng tôi những năm ấy có diễm phúc lớn là được Thầy và nhà trường khuyến khích, nhà nước tạo mọi điều kiện để tu nghiệp nâng cao trình độ. Nhiều người, chỉ sau 2-3 năm công tác đã được cử sang Liên Xô, hoặc một trong các nước XHCN Đông Âu làm nghiên cứu sinh. Lúc đầu tôi được dự kiến bố trí làm thí điểm nghiên cứu sinh trong nước, song do điều kiện thực nghiệm chưa có, nên đến năm 1969 mới được Bộ Giáo dục và Trung học chuyên nghiệp cho sang CHDC Đức nghiên cứu.
Từ năm 1970, tôi có may mắn được làm nghiên cứu sinh tại Học viện trung tâm về Quang học và Quang phổ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức, một Trung tâm nghiên cứu lớn về Laser của CHDC Đức ở Berlin. Nghĩ về những năm tháng Thầy học tập, nghiên cứu trên đất Pháp, về công lao gây dựng và khai sinh ra ngành vật lý nói chung và ngành quang phổ nói riêng của nước Việt Nam mới của Thầy, ngoài công việc chuyên môn phải hoàn thành, tôi và anh em nghiên cứu sinh vật lý của ta ở CHDC Đức đã cố gắng làm hết sức mình đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển ngành vật lý trong nước.
CHDC Đức là nước XHCN có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, có phong trào ủng hộ nhân dân ta chống Mĩ cứu nước hết sức mạnh mẽ. Nhờ thế, sau khi thăm CHDC Đức về, Gs Nguyễn Văn Hiệu đã đề nghi và đã được nhà nước cho phép lấy 800.000 Mác từ tiền nhân dân CHDC Đức quyên góp ủng hộ Việt Nam ở Đại sứ quán VN tại Berlin để mua trang thiết bị thí nghiệm gửi về cho Khoa Vật lý và Viện Vật lý ở nhà. Với sự giúp đỡ của trường ĐHTH Jena, chúng tôi đã chuyển về cho Khoa Vật lý nhà trường và Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học Việt Nam mỗi nơi một lượng trang thiết bị trị giá 400.000 Mác, tạo điều kiện tối thiểu cần thiết cho các phòng thí nghiệm hoạt động. Cũng nhờ thế, Học viện trung tâm về Quang học và Quang phổ nơi tôi làm việc đã tặng Bộ môn Quang phổ nhà trường máy Laser He-Ne (năm 1971) và máy Laser Ruby (năm 1973), đây là những máy Laser đầu tiên có ở Việt Nam do tôi đích thân mang theo tầu hoả từ Berlin về nước. Những máy Laser này góp phần đáng kể cho việc đào tạo chuyên ngành Quang Lượng tử của Bộ môn sau đó. Và đặc biệt, máy Laser He-Ne đã góp phần đưa về cho bộ môn Huân chương Chiến công nhờ thực hiện đề tài chống Bom Laser thời chống Mĩ. Hơn nữa, Học viện cũng đã nhận nhiều cán bộ khoa học Việt Nam, trong đó có anh Nguỵ Hữu Tâm sang làm nghiên cứu sinh về laser và ứng dụng sau tôi, giúp họ trở thành tiến sỹ trên lĩnh vực này.
Ngày nay, hơn nửa thế kỉ sau khi ra đời, ngành quang học và quang phổ nước ta đã có nhiều thay đổi, nhiều cán bộ khoa học - công nghệ trên lĩnh vực chuyên môn này đã có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ…; nhiều phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại đang giải quyết những vấn đề khoa học, công nghệ đặt ra của đất nước.
Quang học và Quang phổ nước ta đang ngày một lớn mạnh trong trào lưu hội nhập quốc tế rộng rãi của đất nước. Có được như ngày nay tôi luôn cám ơn Thầy kính yêu đã khai sinh ra bộ môn Quang phổ ở nước ta và đã hướng chúng tôi vững bước trong thế giới của quang học và quang phổ diệu kì.
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Thầy, xin được gửi đến vợ Thầy, Cô Nguyễn Thị Đỗ những lời chúc tốt đẹp nhất, mong Cô luôn sống vui khoẻ cùng con cháu và người thân.  
 
                                                       Hà Nội, Xuân Qúi Tị (2013)
                                                          PGs Ts Chu Đình Thúy
                                    Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật lý Việt Nam



Flag Counter