GoogleAnalytics

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

060813. Viện Vật Lý Kĩ Thuật Quân Sự: Kỉ Niệm 40 Năm Thành Lập. Nhớ Ơn Những Con Người Nhân Ái


NHỚ ƠN NHỮNG CON NGƯỜI NHÂN ÁI
Vũ Tiến Đức[1]


Tác Giả Với Thủ Trưởng Hoàng Đình Phu

Nhớ lại hơn 40 năm trước, khi tốt nghiệp Khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 11 (1966-1970), đang nghỉ hè ở quê, được báo tin về Trường để nhận quyết định tham gia Quân đội. Và, đó chính là thời điểm quyết định cho cuộc đời tôi sau này gắn bó lâu dài với ngành nghề được đào tạo: Vật Lý Học với những Con Người Nhân Ái.
Tháng 12-1970, tôi được phân công về Tổ Vật liệu, Phòng Điện tử thuộc Viện Kĩ thuật Quân sự. Tổ có 9 Anh Em, tôi được giao tìm hiểu về Đầu Nhậy cảm (Sensor, Дaтчик, Capteur...) vì các trang thiết bị quân sự Mĩ đều gắn với tự động “điều khiển” và “dẫn đường”. Lúc đó đang nổi lên vấn đề nóng bỏng ở chiến trường với sự xuất hiện của các thế hệ mới của “Bom Từ trường” và “Bom điều khiển bằng tia Laser”... Bom Từ trường do bộ phận Điện tử đảm nhiệm. Bom Laser được giao cho Vật liệu xử lí...
Nhóm công tác chúng tôi được giao nhiệm vụ khẩn trương khai thác tài liệu (dù lúc đó rất hiếm) và đề ra phương án chống phá Bom Laser. Sau một thời gian ngắn, hai phương án được đề xuất, báo cáo lên lãnh đạo cấp trên và sớm được phê duyệt:
- Một là, ngăn cản không cho tia Laser điều khiển dẫn đường Bom đến mục tiêu.
- Hai là, tạo ra tia khác “kéo” Bom ra khỏi khu vực mục tiêu.
Cả hai phương án này, về nguyên tắc là hoàn toàn phù hợp. Tuy rằng về ứng dụng thực tế, cần phải được nghiên cứu và kiểm định trong chiến đấu. Và sau này, trong những đợt thí nghiệm ở nhà (800) và ở chiến trường (559), chúng tôi đã thu được những kết luận rất quan trọng về giải pháp công nghệ và chiến thuật giảm tác dụng phá hoại mục tiêu của Bom Laser.
Những dòng này, tôi chỉ muốn nói lên lòng biết ơn đến những cán bộ Lãnh đạo, những Đồng đội và Người thân trong giai đoạn đầy thử thách đó.
Thượng tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài: Tôi gặp ông lần đầu tiên trong một buổi nghỉ chủ nhật tại khu vực thí nghiệm nghiên cứu Đầu tự dẫn Bom Laser. Ông đến thăm (cũng có nghĩa là kiểm tra) trong lúc tôi đang dọn vệ sinh khu vực làm việc “bí mật” ở trong Thành. Với thái độ đầy lòng nhân ái, ông hỏi thăm mọi chuyện, công việc và đời sống. Hình ảnh ấy sâu đậm trong tôi cho đến tận ngày nay...
Viện trưởng Viện Kĩ thuật Quân sự [Hoàng Đình Phu]: Tôi được gặp nhiều lần nhưng ấn tượng nhất là lần “Anh” Phu đến Khu 800 khi chúng tôi đang kiểm tra khả năng nhậy cảm của Đầu tự dẫn Bom Laser. Bác Phu hỏi về nguyên lí hoạt động, về giải pháp công nghệ và chiến thuật... chứng tỏ Viện trưởng (được đào tạo tại Đại học Khoa học Việt Nam) là người có trình độ lí thuyết sâu sắc và kinh nghiệm thực tế từng trải...
Phó Viện trưởng Viện Kĩ thuật Quân sự [Nguyễn Đình Năm]: Tôi nhớ nhất Thủ trưởng Năm trong lần được đi cùng để tiếp nhận Đầu tự dẫn Bom Laser tại huyện Hữu Lũng Lạng Sơn. Nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng, Đoàn chúng tôi cùng ra đi trong đêm, cùng nghỉ ngơi dọc đường, “Thủ trưởng” sinh hoạt cùng anh em như người thân trong nhà...
Trưởng Phòng Điện tử và Phó Viện trưởng Viện Kĩ thuật Quân sự [Ngô Đức Thọ]: Một trong những lần đáng nhớ nhất đối với Thủ trưởng Thọ là lần tôi “làm nũng” không có tên tham gia Đoàn tiếp quản Sài Gòn với câu nói như nói với người thân trong gia đình “Thủ trưởng ‘bỏ rơi’ tôi”. Cuốn sách “Laser Hồng ngoại Âm thanh” của Thủ trưởng Thọ là cuốn sách giúp tôi gắn bó với “nghề” Vật lý Kĩ thuật Quân sự từ ngày ấy...
Trưởng Phòng sau đó là Phân Viện trưởng Vật lý Kĩ thuật [Ngô Đình Liêu]: “Bata Liêu” là tên gọi thân thương của Anh - người tham gia khởi xướng việc nghiên cứu Laser, Vi điện tử, Kĩ thuật Hạt nhân trong Quân đội - nhưng đầy tình thương yêu cán bộ chiến sĩ dưới quyền. Anh Liêu đã đi xa, nhưng hình ảnh của Anh vẫn mãi mãi còn trong tôi và những người đồng đội Vật lý Kĩ thuật Quân sự...
Phân Viện trưởng Vật lý Kĩ thuật sau đó là Giám đốc Nhà máy Bán dẫn Việt Nam Z181 Thái Quang Sa: Tôi được cùng “Anh Sa” đi khảo sát hệ thống bảo đảm kĩ thuật Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đó là hình thành đề tài đầu nhậy cảm độ ẩm Clorua Liti LiCl), dự Hội nghị Lãnh đạo các Z tại ngành Điện lực (sau đó là quyết định Z181 tham gia cải tạo hệ thống điều khiển nhà máy điện Uông Bí...). “Thủ trưởng Sa tình nghĩa” có mặt tại (gần như) tất cả các sự việc vui buồn của cán bộ cấp dưới...
Các Anh/Chị thuộc Tổ Vật liệu - tiền thân của Viện Vật lí Kĩ thuật Quân sự ngày nay (Trần Đàm, Đào Kim Đức, Lê Đình Minh, Nguyễn Cẩn Ruyện, Lê Đỗ Thái, [Nguyễn Quốc Thắng], Bùi Minh Tuấn, Trần Thị Viễn... ) cùng các Anh/Chị/Em thuộc Ban Quang Bán dẫn do tôi phụ trách (Võ Hòa Bình, Lê Thành Công, Nguyễn Thị Dung, Lê Đình Đạo, Phạm Văn Hoài, Lê Thái Lai, Phan Thu Lương, Dương Thanh Mai, Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Thị Ngữ, Đỗ Thế Nhuận, Bùi Hồng Thắng, Nguyễn Nguyệt Tĩnh, Trần Đại Tuất) là những người Anh, người Chị và những Đồng Đội đầy tình Nhân Ái...
Sau này trong cuộc đời, còn được gặp nhiều đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng hình ảnh về những Con Người Nhân Ái của Viện Kĩ thuật Quân sự ngày ấy không bao giờ phai mờ trong tôi.
Hiện nay Viện Vật lý Kĩ thuật Quân sự đã làm chủ hoàn toàn trong việc thiết kế, chế tạo nhiều sản phẩm tiêu biểu phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng:
Thiết bị ngắm bắn nhanh ngày đêm cho súng AK bằng Laser Bán dẫn
Kính quan sát đêm đồng bộ với Mũ trang bị cho bộ đội tác chiến ban đêm
Kính ngắm bắn đêm NVS-1BT cho Súng trường bắn tỉa SVD
Kính ngắm bắn đêm cho Pháo Zu-23-2 phục vụ bắn mục tiêu trên biển
Kính ngắm bắn đêm HN.KN-PKMS đồng bộ với Súng đại liên PKMS
Kính ngắm bắn đêm KNDD44-VN cho Pháo chống tăng 85 mm
Kính quan sát mặt bằng TNPO-170A và CE-2P cho Xe chiến đấu bộ binh BMP-1
Kính ngắm tà và phương vị trên Máy đo xa quang học Д-49 của Đài chỉ huy Pháo phòng không 57 mm
Thiết bị Bia để kiểm tra hiệu chỉnh Súng bộ binh phục vụ cho công tác huấn luyện tại các hầm bắn chỉnh súng
Thiết bị Ảnh nhiệt quan sát tầm trung phục vụ các ứng dụng quân sự
Đo xa Laser tích hợp với Camera trong hệ quan sát - ngắm bắn pháo ngày và đêm trên Xe tăng T55
Kính ngắm bắn hỗn hợp ngày đêm 1PN22-M2 trên Xe chiến đấu bộ binh BMP-1
Hệ thống Quan sát đêm tầm xa dùng để quan sát, giám sát và phát hiện chống đột nhập từ xa
Hệ thống ổn định ảnh bằng phương pháp quang học cho thiết bị quan sát cầm tay...
Vạn tư sáu ngày[2] trôi qua
Chúng ta gặp gỡ để mà hôm nay
Gặp nhau thân ái nơi đây
Tặng nhau từng chuỗi chuyện hay tiếng cười
Bốn mươi năm đã qua rồi
Còn đây hay đã xa rời nhớ thương
Nửa ngày vui chuyện vấn vương
Hẹn mươi năm nữa lại lên nơi này...
Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập Viện Vật lý Kĩ thuật Quân sự, tôi xin được bầy tỏ lòng biết ơn vô hạn của cá nhân và gia đình đối với Tập thể B29 ngày ấy, nơi đã dậy dỗ, rèn luyện, đào tạo tôi thành một Chiến sĩ Vật lý Kĩ thuật Quân sự hôm nay. Tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ hình ảnh Những Con Người Nhân Ái.
Xin kính chúc Viện Vật lý Kĩ thuật Quân sự liên tục phát triển góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam yêu quí.

Hà Nội, Tháng 5-2013

[1] Tổ Vật Liệu, Phòng Điện tử, Viện Kĩ thuật Quân sự (từ tháng 12-1970)
[2] 14.600 ngày là 40 năm
Flag Counter

Không có nhận xét nào: