GoogleAnalytics

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

110813. Biết Ơn Tưởng Nhớ: Liệt Sĩ Lê Hoài Tuyên (1948-1972). 2


BIẾT ƠN TƯỞNG NHỚ:
LIỆT SĨ LÊ HOÀI TUYÊN

TIẾP LỬA TRUYỀN THỐNG 
NHƯ VỆT SAO BĂNG


Lê Hoài Tuyên mang quân hàm "Học viên Sĩ quan"

[VuTienDucAZVietNam]: Gia đình Liệt sĩ Lê Hoài Tuyên mong muốn phóng viên Báo QĐND Hồng Hải chuyển lại những kỉ vật (duy nhất) của Liệt sĩ. 
Xin liên hệ với Em gái của Liệt sĩ là Bà Lê Minh Hà (69 Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy, 0913097892, minhha288@gmail.com)



(Vụ trưởng) Lê Minh Hà cùng Gia đình chăm sóc hương khói Liệt sĩ

Ảnh Tập thư tràn đầy nhiệt huyết cống hiến của Lê Hoài Tuyên (không mở được)

“Một tiếng nổ khô khốc, khủng khiếp. Một cột khói bốc lên. Anh vĩnh viễn tan vào đất mẹ. Khi đồng đội chạy đến, những gì thuộc về anh chỉ còn là một chiếc khăn dù vương lại trên một nhành cây” - Đây là khúc viết về phút hi sinh của “liệt sĩ, nhà khoa học trẻ tuổi Lê Hoài Tuyên” mà tôi đề cập trong bài “Bí ẩn về bom từ trường” đăng báo Quân đội nhân dân tháng 9-2005. Mãi đến nay tôi mới biết, anh còn để lại một tập thư hàng chục lá tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, khát khao được trở thành người cộng sản, một tâm hồn sáng trong đến kì lạ...
Chàng sinh viên đẹp trai “lạc quan nhất quả đất”
Bạn đọc thân mến! Thời gian thoắt trôi, bài báo viết về cuộc đời chiến đấu và hi sinh của Lê Hoài Tuyên có người còn nhớ, có người đã quên. Tôi xin phép lược kể về anh cho ngọn ngành câu chuyện. Lê Hoài Tuyên là sinh viên Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1966-1970. Là con một của một cán bộ cấp cao đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam, Tuyên tình nguyện nhập ngũ, được phân về Viện Kĩ thuật Quân sự (Trung tâm Khoa học - Kĩ thuật và Công nghệ Quân sự[1] hiện nay) và được phân công về bộ phận nghiên cứu, chế tạo các phương tiện rà phá bom từ trường. Đầu năm 1972, người kĩ sư trẻ tuổi ấy được giao nhiệm vụ đi vào chiến trường 559 để nghiên cứu và hướng dẫn bộ đội cách rà phá bom. Mải mê tháo gỡ, nghiên cứu một quả bom có cấu tạo “lạ”, anh đã anh dũng hi sinh…
Có một điều mà tôi vẫn day dứt mỗi khi bất chợt nghĩ về trường hợp của Lê Hoài Tuyên là tại sao một sinh viên ưu tú, một sĩ quan[2] trẻ rất nhiệt tình công tác như Lê Hoài Tuyên, mà cho đến lúc hi sinh vẫn chưa trở thành người đảng viên cộng sản - lẽ sống lớn nhất của cuộc đời anh. Đọc những dòng thư anh, dường như tôi đã tìm thấy câu trả lời.
Anh Trương Đức Sự, bạn học cùng lớp Vô tuyến Chất rắn[3] (Trường Đại học Tổng hợp) với Lê Hoài Tuyên và cũng là đồng đội của anh sau này kể lại: "Tuyên là con người của tập thể. Đẹp trai, học giỏi, lại là con cán bộ cấp cao, được bạn bè tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn. Chúng tôi vẫn thường trêu: Cậu đủ yếu tố để trở thành lãnh đạo “to” đấy. Vậy nhưng lần lượt những người ưu tú trong lớp được đứng vào hàng ngũ của Đảng, riêng cậu ấy (là đối tượng cảm tình Đảng đầu tiên của lớp) thì cứ bị lần lữa mãi".
Giọt nước mắt lăn trên má người cựu chiến binh đã ngoại lục tuần kéo chúng tôi về một thời sinh viên sôi nổi của các ông. Ngày ấy, khi Tuyên được cử đi dự lớp cảm tình Đảng (tháng 5-1968), anh đã viết thư ngay vào cho bố đang công tác tại Trung ương Cục Miền Nam, anh báo: "Chi bộ đã sơ bộ xét lí lịch của con, về cơ bản là tốt song cũng như bố nói, đáng ra không cần khai tỉ mỉ cả đến thời kì mà thành phần của ông lên đến mức tư sản. Anh em có hỏi, con đã giải thích như bố đã dặn, nhưng để bảo đảm vấn đề trung thực đối với Đảng, con chỉ nói những cái sơ lược mà con biết thôi và con đề nghị còn vấn đề gì chưa rõ thì cứ tiến hành thẩm tra thêm, bởi con nghĩ thời gian không phải là điều quyết định. Do vậy, cùng được xét có 3 người thì 2 đồng chí kia đã được đưa lên diện đối tượng kết nạp của chi bộ, còn con phải nán lại một thời gian đã".
Đó cũng là một điều khiến bạn bè vẫn trêu anh là người “lạc quan nhất quả đất”. Là cán bộ Đoàn ưu tú, Lê Hoài Tuyên đã thuộc diện “ưu tiên” được vào Đảng. Thế nhưng khi báo cáo với chi bộ, anh rất trung thực kê khai rằng, có thời, ông nội của mình từng bị qui thành tư sản. Anh đã thực hiện lời dậy của người cha “phải tuyệt đối trung thực trước Đảng” nhưng với những qui định ngặt nghèo trong kết nạp Đảng hồi đó, vô tình, lí lịch vào Đảng của anh được đề nghị “thẩm định thêm” và trong điều kiện đất nước có chiến tranh, thời gian chi bộ cử người đi thẩm định đã lùi vô thời hạn. Ngày 23-6-1968, Tuyên viết thư cho bố, gửi vào chiến trường B, anh viết: "Còn vấn đề vào Đảng, con đã trình bầy thêm về lí lịch với các đồng chí chi ủy, không có gì đáng ngại đâu, chủ yếu là sự phấn đấu của con mà thôi. Bố cứ tin tưởng ở con trai bố nhé". Sau đó, mấy năm ròng học đại học, anh viết thư cho bố, vẫn giữ nguyên niềm lạc quan "À còn chuyện xác minh lí lịch của con vẫn chưa có kết quả, phải chờ người của chi bộ đi thẩm tra trực tiếp cơ, nên có lẽ cũng còn lâu đấy… ".
Như vệt sao băng
Khó có thể kể hết những đoạn thư hay, những dòng thư tràn đầy niềm tin chiến thắng và tâm hồn trong trẻo như pha lê của chàng sinh viên Lê Hoài Tuyên. Trong lá thư gửi bố đề ngày 04-12-1968, anh lại vui mừng thông báo: “Đại hội chi đoàn vừa rồi, con lại được phân công làm bí thư. Con thấy rất vinh dự nhưng cũng rất lo lắng. Chỉ sợ khả năng mình ít ỏi quá, làm thế nào mà hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng con tin rằng, với nhiệt tình của tuổi trẻ lại được tổ chức giúp đỡ, được quần chúng ủng hộ, con sẽ làm tròn trách nhiệm của mình”.
Bạn bè cùng học kể rằng, là một “cậu ấm” (con cán bộ cấp cao) nhưng trong mọi hoạt động, công tác, Tuyên luôn hăng hái, xông pha. Những lần cả lớp đi rừng lấy gỗ về làm hầm trú ẩn, dù sức vóc bình thường nhưng Tuyên thường xung phong vác những khúc gỗ to, rất nặng. Trong lá thư gửi bố ngày 21-02-1969, anh cũng tâm sự: "… con làm công tác chi đoàn, bận lắm nhưng con rất phấn khởi, hình ảnh của bố, các chú, các bác, các anh chị cùng đồng bào trong ấy lăn lộn trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù ở nơi tiền tuyến lớn luôn cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho con và các đồng chí của mình vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề mà Đảng đã giao cho chúng con. Xin hứa với bố là con sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa trong mọi mặt để năm sau đạt mức phấn đấu là sinh viên 4 tốt, cùng với các đồng chí xây dựng chi đoàn chúng con thành chi đoàn 4 tốt, một tập thể vững mạnh. Con ước ao được sớm trở thành đồng chí của bố mẹ, hiện nay tuy chưa đạt được điều đó, con cũng luôn nghĩ rằng, mình phải phấn đấu theo tiêu chuẩn của một người đảng viên, phải sống, làm việc như những người cộng sản".
Tình cảm cách mạng trong sáng, tinh thần cống hiến vô điều kiện của Lê Hoài Tuyên không tự nhiên mà có. Sự tự nguyện học tập để tự giác ngộ trong anh là rất lớn, có lần, anh đã “tỉ tê” cùng người cha qua trang giấy ngày 07-7-1969: “Thưa bố, con nguyện học tập, làm theo lời bố dậy, tức là sống và chiến đấu như một người cộng sản chân chính, không thể có con đường nào khác được… Gia đình ta, mỗi người đều chôn sâu trong lòng mình bao niềm vấn vương, lên đường nhận những nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, để cho ngày Bắc, Nam sum họp mau đến gần. Ai cũng bảo gia đình ta thật éo le, bố mẹ đi xa, còn 3 anh em mỗi đứa một nơi, đôi lúc con cũng suy nghĩ, song lại tự nhủ mình phải có dũng khí để khắc phục những khó khăn, chỉ thương Hà, Hoan còn nhỏ quá mà đã phải sớm chịu đựng những thiếu thốn. Nhất là đối với Hoan, nó còn ngây thơ hồn nhiên lắm, đáng ra còn phải được làm nũng bố mẹ, anh chị… Bố cứ tin tưởng rằng, những lời hứa hẹn của con không phải là lời hứa hão, nhất định con phải làm được những điều đó…”.
Trong bức thư gửi vào chiến trường cho bố ngày 19-7-1969, Lê Hoài Tuyên nhắc lại ý thức tự học của mình: “… tình hình cách mạng tiến triển nhanh thật, chúng con học không kịp, không vững thì sợ bung ra lại không làm được việc mất. Sắp tới, chúng con sẽ tập trung thảo luận vấn đề làm thế nào để phấn đấu theo tiêu chuẩn “vừa đỏ vừa chuyên”. Bác Tô đã nói nhiều về vấn đề này, sâu sắc và chí lí lắm, người cán bộ khoa học kĩ thuật thì phải đỏ để mà chuyên và phải chuyên để mà thể hiện đỏ. Quan điểm ấy, chúng con thấy rất đúng nhưng để cho nó được quán triệt trong toàn bộ nhà trường, cả thầy lẫn trò, từ trên xuống dưới thì không phải là giản đơn. Nhất là đối với một trường khoa học cơ bản như trường con, đầu óc "chuyên môn thuần túy" còn nặng ở nhiều người lắm, thậm chí ở cả một số người lãnh đạo. Mà muốn xây cho vững thì phải tích cực chống những loại tư tưởng ấy, trường đại học XHCN thì không thể có nhiệm vụ nào khác ngoài việc phấn đấu để thực hiện những mục tiêu đào tạo của Đảng”.
Thế rồi, như câu chuyện bi tráng mà tôi đã kể ở trên, ở tuổi đôi mươi, người đoàn viên, sĩ quan[4] trẻ Lê Hoài Tuyên đã ngã xuống khi anh còn chưa kịp đứng vào hàng ngũ vinh quang của những người cộng sản. Sự hi sinh của người đoàn viên ưu tú ấy rất đặc biệt - vào đúng ngày 26-3-1972, kỉ niệm ngày thành lập Đoàn. Và tôi còn được biết, theo qui định của đơn vị hồi đó, những kĩ sư tài năng như Lê Hoài Tuyên không được trực tiếp tháo lắp các quả bom nguy hiểm[5]. Nhưng khi trên đỉnh Cao Sơn (Binh trạm 14, đoàn 559) xuất hiện quả bom có cấu trúc lạ, thì Tuyên biết, chỉ có anh - người am hiểu sâu sắc nhất về cấu trúc các loại bom có mặt tại đó, phải nhận lấy trách nhiệm giải tỏa sự nguy hiểm cho tuyến đường được thông suốt. Quả bom cực lớn đã khiến thân thể anh tan biến vào dải đất Trường Sơn hùng vĩ.
Nhưng còn một Lê Hoài Tuyên trở về nguyên vẹn sau chiến tranh. Đó là những dòng thư anh gửi cho cha, dù trong chiến trường máu lửa, vẫn được ông nâng niu, giữ gìn như một thứ tài sản quí giá nhất.
Ông Trương Đức Sự kể rằng, mỗi lần nghĩ đến người đồng đội Lê Hoài Tuyên và những dòng thư “trong suốt” của anh, ông như nhìn thấy một chớp sáng như một vệt sao băng trên bầu trời Trường Sơn. Nhưng vệt sao băng ấy đủ soi sáng cho mọi người biết yêu cuộc sống và biết sẵn sàng hi sinh tất cả vì độc lập tự do, vì tương lai của lớp người kế tiếp.
Kính mời bạn đọc Biết Ơn Tưởng Nhớ Liệt Sĩ Lê Hoài Tuyên (1948-1972). 1

[1] Nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng)
[2] Lớp chúng tôi nhập ngũ ngày ấy, theo qui định gọi là “Học viên Sĩ quan”, đến giữa năm 1973 mới được phong sĩ quan
[3] Chỗ này cần đính chính lại: Anh Lê Hoài Hoài Tuyên học chuyên đề (Vật lý) Vô Tuyến, Anh Trương Đức Sự học chuyên đề (Vật lý) Lí Sinh
[4] Lớp chúng tôi nhập ngũ ngày ấy, theo qui định gọi là “Học viên Sĩ quan”, đến giữa năm 1973 mới được phong sĩ quan
[5] Và cũng chính vì lí do này, mà một số anh em đã coi “Lê Hoài Tuyên ‘không chấp hành’ kỉ luật chiến trường”

Flag Counter

Không có nhận xét nào: