GoogleAnalytics

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

160613. VPS: Viện Cao Cấp Vật Lý... 3. Sự Cần Thiết...


KIẾN NGHỊ THÀNH LẬP VIỆN CAO CẤP
VỀ VẬT LÝ LÝ THUYẾT VÀ VẬT LÝ TÍNH TOÁN
TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VẬT LÝ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020

Dự thảo - 12-3-2013 - Gs Vs Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Danh dự Hội Vật lý Việt Nam...

Sự cần thiết thành lập một Trung tâm xuất sắc về Vật lý Lý thuyết và Vật lý Tính toán ở nước ta

Vật lý Lý thuyết là chuyên ngành vật lý được sớm phát triển nhờ công lao to lớn của các cố giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm và Ngụy Như Kontum. Ngay khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được thành lập năm 1956, giáo sư Tạ Quang Bửu đã tổ chức thuyết trình về các phương pháp toán lý để khuyến khích giảng viên trẻ của cả ba Trường đại học nói trên học tập, nghiên cứu về Vật lý Toán. Cũng năm đó giáo sư Lê Văn Thiêm cử anh Hoàng Phương, giảng viên bộ môn Toán...
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đi nghiên cứu vật lý lý thuyết ở Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Năm 1957, anh Hoàng Phương từ Dubna trở về đem theo ý tưởng nghiên cứu lý thuyết trường lượng tử phi tuyến rất lý thú của Heisenberg và được giáo sư Ngụy Như Kontum giao nhiệm vụ đứng ra thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý Lý thuyết đầu tiên ở nước ta với sự tham gia của các giảng viên trẻ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1958, tại đại giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Hội trường Ngụy Như Kontum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội), giáo sư Tạ Quang Bửu thuyết trình về phát minh sự không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu của Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh vừa được nhận Giải thưởng Nobel. Bản thuyết trình của GS Tạ Quang Bửu đã khích lệ các giảng viên trong nhóm vật lý lý thuyết của anh Hoàng Phương nghiên cứu về lý thuyết hạt sơ cấp. Trong những năm 60, một số giảng viên vật lý được cử đi nghiên cứu ở Liên Xô và một số sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc ở Liên Xô được tiếp tục làm nghiên cứu sinh đã chọn hướng nghiên cứu vật lý lý thuyết. Nhờ có sự chuẩn bị rất khẩn trương đó cho nên khi vừa được thành lập năm 1969, Viện Vật lý đã có một đơn vị nghiên cứu mạnh là Phòng Vật lý Lý thuyết, hàng năm công bố các bài báo trên các tạp chí quốc tế. Thông lệ bắt buộc phải công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế đã có ở nước ta từ thời kì đó. Tại Hội nghị quốc tế về Vật lý Năng lượng cao họp tại Kiev năm 1970, một nhà khoa học trong Viện Vật lý đã được mời đọc báo cáo tại một phiên họp toàn thể. Những kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Viện Vật lý nước ta và Viện Vật lý Năng lượng cao ở Serpukhov về các quá trình sinh nhiều hạt đã được tặng Giải thưởng Lê Nin năm 1986. Những kết quả nghiên cứu về các tính chất đối xứng trong vật lý lượng tử của Viện Vật lý đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996. Ngay từ năm 1976 Viện Vật lý đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về Vật lý Lý thuyết tại Đà Lạt. Từ đó đến nay năm nào Viện Vật lý và Hội Vật lý Việt Nam cũng tổ chức đều đặn Hội nghị Vật lý Lý thuyết toàn quốc. Đó là loạt Hội nghị khoa học toàn quốc duy nhất được tổ chức hàng năm một cách liên tục trong suốt gần 40 năm qua. Những năm gần đây, việc vận dụng các phương pháp khoa học tính toán và sử dụng các hệ máy tính đủ mạnh để giải quyết các bài toán vật lý lý thuyết đòi hỏi phải thực hiện một khối lượng tính toán lớn đã thúc đẩy sự phát triển chuyên ngành vật lý mới liên hệ mật thiết với Vật lý Lý thuyết là Vật lý Tính toán. Đến nay ở nước ta đã hình thành một mạng lưới các đơn vị nghiên cứu vật lý lý thuyết và vật lý tính toán phân bố trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Những đơn vị nghiên cứu vật lý lý thuyết và vật lý tính toán sau đây có đề tài nghiên cứu được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp kinh phí:

-          Viện Vật lý
 -        Viện Khoa học và Kĩ thuật Hạt nhân
-        Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội   
-        Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
-        Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
-        Trường Đại học Vinh
-        Trường Đại học Sư phạm Huế
 -         Viện Vật lý thành phố Hồ Chí Minh
-        Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán thành phố Hồ Chí Minh
-       Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh
-       Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh
-       Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh

Nói tóm lại, sau hơn nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, đến nay ở nước ta đã hình thành một mạng lưới khá rộng các đơn vị nghiên cứu vật lý lý thuyết và vật lý tính toán, nếu được tổ chức lại thành một đội ngũ thống nhất sẽ có triển vọng đưa nước ta trở thành quốc gia đứng hàng đầu về vật lý lý thuyết và vật lý tính toán trong khối ASEAN trước năm 2020. Đó là chưa nói đến khả năng thu hút sự tham gia trực tiếp của các nhà vật lý lý thuyết và vật lý tính toán có danh tiếng là người Việt Nam ở nước ngoài như Đàm Thanh Sơn, Phạm Quang Hưng (Hoa Kì), Nguyễn Mạnh Đức (Vương quốc Anh), Mai Xuân Lí (Ba Lan), Phạm Lê Kiên (Nhật Bản)… Mặt khác, tuy có số lượng thành viên tham gia đông đảo như vậy, trong đó có một số người đạt được những thành tích xuất sắc, song chúng ta chưa xây dựng được một trường phái vật lý lý thuyết và vật lý tính toán mạnh vì nhà nước chưa có biện pháp tập hợp các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đầy triển vọng này thành một đội ngũ có tổ chức, kết hợp với nhau cùng nghiên cứu các vấn đề có qui mô lớn và có giá trị khoa học cao.

Với vai trò rất quan trọng của vật lý lý thuyết và vật lý tính toán trong sự phát triển khoa học và công nghệ nước ta như đã trình bầy trong phần trước, với sự hiện diện của một số đông các nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết và vật lý tính toán tài năng đang làm việc một cách phân tán trong một mạng lưới khá rộng các đơn vị nghiên cứu rời rạc trên cả nước, với khả năng thu hút sự tham gia của các nhà khoa học có danh tiếng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, việc thành lập thêm một tổ chức nghiên cứu vật lý lý thuyết và vật lý tính toán theo mô hình các Trung tâm xuất sắc trên thế giới là hết sức cần thiết và khả thi. Dưới đây xin tạm gọi tổ chức nghiên cứu mới đó là Viện Cao cấp về Vật lý Lý thuyết và Vật lý Tính toán, tiếng Anh là Institute for Advanced Studies of Theoretical and Computational Physics IASTCP.

Trước khi trình bầy những nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng IASTCP, trong đoạn tiếp theo xin giới thiệu các tiêu chí về cơ chế hoạt động của các Trung tâm xuất sắc nghiên cứu các lĩnh vực của khoa học tự nhiên ở các nước có khoa học và công nghệ tiên tiến.

Flag Counter